Nâng quy mô dự án là mở không gian cho tư duy mới
Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, việc nâng quy mô dự án chính là mở không gian cho tư duy mới, để thiết kế các dự án theo cách liên kết với nhau, mang tính tổng thể, tức là những dự án lớn. Điều này phù hợp với bối cảnh mới - bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh.
Tỉnh nghèo cũng sẽ có dự án lớn
- Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên từ 30.000 tỷ đồng; nâng quy mô dự án nhóm A, B, C gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi rất tán thành việc nâng quy mô các dự án đầu tư công theo tinh thần dự thảo Luật. Bởi như Cơ quan soạn thảo chỉ ra, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng từ 10.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước trở lên đã được quy định từ gần 30 năm nay, trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia và các nhóm dự án A, B, C được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và giữ nguyên trong Luật Đầu tư công năm 2019. Trong khi giai đoạn 2013 - 2024, quy mô GDP tăng khoảng 2,5 lần, chưa kể các yếu tố như mặt bằng giá cả, chi phí nhân công, các định mức đầu tư xây dựng… có sự thay đổi.
Trong thời gian tới, để bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, nỗ lực cho mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, các dự án hạ tầng lớn sẽ xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, kể cả các địa phương nghèo cũng sẽ có được những dự án lớn, bởi liên quan đến tái cấu trúc vùng, đến cơ chế phát triển vùng trọng điểm, liên kết vùng.
Như vậy, việc nâng quy mô dự án đầu tư công chính là mở không gian cho tư duy mới, để thiết kế các dự án theo cách liên thông, liên kết với nhau, với nhiều cấu phần khác nhau; tránh tình trạng ở dưới phải chia tách thành dự án nhỏ hơn để thuộc thẩm quyền. Điều này cũng nhằm thực hiện định hướng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII là “Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường, sáng tạo hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo…”.
- Dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; theo đó, cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Nhìn từ thực tiễn triển khai các dự án đầu tư công thời gian qua cho thấy, nhiều dự án chậm tiến độ có nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng. Bây giờ, khi tách thành dự án độc lập thực sự là một chính sách tốt và cần được áp dụng thống nhất, thay vì chỉ thí điểm ở một số địa phương. Hiện, chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Vì thế, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập không chỉ là “đi trước một bước”, mà phải tách dự án thì mới phân cấp được. Đây cũng chính là cách để tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay, qua đó thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công.
Có cơ chế cảnh báo sớm tiến độ dự án
- Cũng liên quan đến phân cấp, phân quyền, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại khi dự thảo Luật tăng trao quyền cho Chủ tịch UBND thay vì cho HĐND, như phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp, thưa ông?
- Việc phân cấp này chính là để thực hiện định hướng chỉ đạo “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; đồng thời nêu cao vai trò người đứng đầu “phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo” như Tổng Bí thư đã chỉ ra tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII.
Tất nhiên, sẽ có những lo ngại về tình trạng lạm dụng chức quyền của Chủ tịch UBND các cấp. Song, tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn khắc phục được thông qua cơ chế giám sát của HĐND các cấp và quan trọng nữa là phải có bộ tiêu chí để đánh giá giá trước, trong và sau dự án, với điều kiện bộ tiêu chí này cần đạt chuẩn theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới…
- Tình trạng chậm tiến độ, đội vốn dự án đầu tư công thời gian qua đã gây ra những bức xúc trong xã hội. Theo ông, sửa Luật Đầu tư công cần lưu ý gì để hạn chế thấp nhất tình trạng này?
- Việc chậm tiến độ dự án đầu tư công có một phần nguyên nhân khách quan từ tình hình bên ngoài, đứt gãy nguồn cung; một phần bởi các nguyên nhân chủ quan. Để khắc phục tình trạng chậm tiến độ do những nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng, cùng với việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện chống lãng phí cũng như trách nhiệm người đứng đầu như yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, thì cần có cơ chế giám sát, trong đó có cơ chế cảnh báo sớm về tiến độ các dự án. Các cơ chế này phải được thực hiện song hành cùng nhau. Tôi tin, khi trong luật nêu rõ nguyên tắc này sẽ góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng dự án đầu tư công chậm tiến độ.
- Xin cảm ơn ông!