Nao nức trẩy hội mùa xuân trên quê hương Quan họ

24/02/2018 15:34
(BNP) - Bắc Ninh được mệnh danh là quê hương của những lễ hội truyền thống, với khoảng hơn 500 lễ hội diễn ra vào tất cả các mùa trong năm, nhưng mùa xuân là sôi động và đậm đặc nhất. Mỗi lễ hội đều mang một sắc thái riêng, nhưng điều chung nhất là hoạt động mang ý nghĩa tinh thần của cộng đồng, tạo sự gắn kết mật thiết giữa các cá nhân trong mỗi làng quê và giữa các làng quê với nhau.

Bắc Ninh được mệnh danh là quê hương của lễ hội truyền thống.

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ

Làng Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Hội làng được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm.

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ đã có từ rất lâu, nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc. Tục truyền, hội làng này để tưởng nhớ, tái hiện ngày Thánh Thiên Cương, vị tướng được người dân tôn thờ làm Thành hoàng làng ra xuất quân đánh giặc.

 
Nghi thức rước pháo tại Lễ hội làng Đồng Kỵ.

Xưa kia người dân trong làng làm pháo đốt trong ngày hội, ngày nay cấm đốt pháo nên người dân đã làm ra quả pháo Nhất và pháo Nhì để tượng trưng. Hai quả pháo được thanh niên trai tráng rước về đến đình cũng là lúc không khí tạm thời lắng xuống để 4 ông quan đám làm lễ. Sau đó là màn rước quan đám của 4 giáp thuộc Đồng Kỵ, đây được cho là phần vui nhất của hội. 4 ông quan đám chít khăn đỏ, đóng giả gái để mua vui cho mọi người, còn thanh niên trai tráng sẽ chen lấn, xô đẩy chạy vòng quanh sân đình. Vị quan đám nào được rước lâu nhất sẽ giành chiến thắng. Hội làng Đồng Kỵ thu hút hàng ngàn người tham gia và lễ hội làng Đồng Kỵ sẽ kéo dài đến mùng 10 tháng Giêng.

Hội Chùa Phật Tích

Lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, có từ hàng nghìn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích (nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam) có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh. Mặc dù khai hội vào ngày mồng 4 Tết, nhưng năm nào cũng vậy du khách thập phương đến dâng hương, cầu phúc tấp nập từ mùng 1 Tết.
 

Du khách đến Hội Chùa Phật Tích để cầu may mắn, hạnh phúc.
 
Lễ hội năm nay diễn ra từ mồng 4 đến mồng 5 tháng Giêng, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang nghiêm từ ngày mồng 4 Tết gồm dâng hương, tế lễ do nhà chùa và hội phật tử địa phương thực hiện, thu hút hàng vạn du khách về chiêm bái lễ phật. Ngày mồng 5 trên quảng trường Đại Phật Tượng, núi Phật Tích diễn ra lễ cầu Quốc thái dân an-tín ngưỡng đặc biệt của lễ hội khán hoa mẫu đơn. Phần hội do địa phương tổ chức gồm các trò chơi dân gian: Tổ tôm điếm, đấu vật, hát Quan họ… Đặc biệt, vào tối mồng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất, tại Chùa Phật Tích đã diễn ra lễ đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích và màn bắn pháo hoa.
 
 
Hội làng Ném Thượng 

Nguồn gốc của lễ hội làng Ném Thượng là để tưởng nhớ vị Thành hoàng làng (sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hoặc tướng quân Đoàn Thượng) năm xưa chém lợn rừng khao quân rồi phá vòng vây quân giặc. Lễ hội còn mang ý nghĩa tinh thần, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng của ông cha và cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng, vạn vật tươi tốt…
 

Lễ rước "ông ỉn" tại Hội làng Ném Thượng.
 
Hội làng Ném Thượng diễn ra vào mùng 5 - 6 tháng Giêng và được tổ chức theo phong tục tập quán truyền thống với đủ phần lễ và phần hội. Trong đó, tại phần lễ, bắt đầu từ chiều mùng 5 Tết, hai “ông ỉn” được nuôi để làm lễ tế Thánh đã được các chức sắc và người dân trong làng rước vào đình làm lễ nhập tịch. Sáng ngày chính hội mùng 6 Tết, đoàn rước hai “ông ỉn” đi vòng quanh làng và trở lại sân đình, nhằm đúng 12 giờ trưa, người dân địa phương hành lễ chém lợn để làm cỗ ngọc tế Thánh.
 
Điểm mới của Lễ hội năm nay là thực hiện việc “chém kín” hai “ông ỉn” tại khu vực được quây bạt riêng. Địa điểm quây bạt ở phía bên trái đình Ném Thượng, bạt được quây kín cả bốn phía, rộng khoảng 30-40m2, phía bên ngoài ghi rõ: “Khu vực làm cỗ ngọc tế Thánh”. Đến với Hội làng Ném Thượng, người dân và du khách còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như hát Quan họ trên thuyền, biểu diễn giao lưu văn nghệ, thi đấu cầu lông, cờ tướng và nhiều trò chơi dân gian khác…

Hội Lim

Nói đến Bắc Ninh là nói đến Hội Lim. Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật đặc sắc của những làng quê Quan họ, hình thành từ xa xưa. Ngày hội đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi từ khắp nơi về trẩy hội vui xuân, trong đó đa phần là các bạn trẻ nam thanh nữ tú mong muốn tìm bạn, tìm duyên vui chơi, giải trí. Còn với những cụ ông, cụ bà thì đến với hội là dịp tìm về tuổi thanh xuân, tìm lại kí ức về miền quê Quan họ. 

Hội Lim diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du) từ ngày 12-13 tháng Giêng, để tưởng nhớ hai vị sư tổ của làn dân ca Quan họ là Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu. 2 vị sư tổ đã để lại di sản cho con cháu với hơn 200 làn điệu âm nhạc đặc sắc, lời ca trữ tình, nồng nàn tình yêu đôi lứa.

 

Đến với Hội Lim để được đắm mình trong không gian văn hóa Quan họ.

Đến với hội Lim, bên cạnh những hoạt động rước, tế của phần lễ, các sinh hoạt văn hoá văn nghệ tại phần hội, thì nét đặc trưng tiêu biểu, lôi cuốn lòng người trảy hội nhất chính là câu hát dân ca Quan họ, thứ âm thanh, ngôn ngữ đầy sắc màu tình cảm sâu đậm, nhân ái, thuỷ chung, của tình yêu vượt mọi khoảng cách thời gian và không gian của người Quan họ. Du khách có thể xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà), lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam - nữ), hoặc "bọn" nam - nữ. Khách hành hương trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật... vốn là những trò chơi cổ truyền của hội làng mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.
 
Lễ hội đền Bà Chúa Kho

Khai hội vào ngày 14 tháng Giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) luôn chật kín người.

Theo quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, những người tới đây trẩy hội đều mong muốn phát tài phát lộc trong năm mới. Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả (tức là tạ lễ). Ngoài ra, khách tới lễ hội ngoài để “vay vốn” còn muốn cầu bình an và sức khỏe.

 

Người dân đi lễ đền Bà Chúa Kho đầu năm.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng tôn tạo dự án cổng Tam quan Đền Bà Chúa Kho với kinh phí 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích làm mới mái Lư hương với 5,1 tấn đồng nguyên chất (đồng đỏ), chỉnh trang vỉa hè hai bên đường vào khu di tích đảm bảo cảnh quan khu vực di tích.

Với chủ đề lễ hội Đền Bà Chúa Kho năm nay là “Kỷ cương-Văn minh-Văn hóa”, Ban Quản lý di tích tập trung cao cho công tác an ninh trật tự, tiến hành tháo dỡ mái che, mái vẩy sai quy định trong khu vực Đền; cài đặt hệ thống Camera giám sát các hoạt động trong khuôn viên di tích; kiểm soát chặt chẽ các hàng quán bán đồ ăn, kiên quyết xử lý tình trạng trộm cắp, đổi tiền lẻ, khấn thuê, lễ mướn, trèo kéo du khách… nhằm đảm bảo cho du khách trảy hội an toàn, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người dân và du khách thập phương.


Lễ hội Kinh Dương Vương

Trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân, khu di tích đền thờ các bậc Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương, Lạc long Quân, Âu Cơ thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành lại tưng bừng mở hội và hàng ngàn vạn “con Lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về trảy hội để về với cội nguồn dân tộc.

 

Các nghi thức khai hội tại Đền thờ Kinh Dương Vương.

Lễ khai hội diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng với nghi thức rước kiệu từ đền ra lăng theo cổ lệ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động như biểu diễn hát Tuồng, Múa rối nước, hát Trống quân, hát Chèo, Quan họ trên thuyền, hát Ca trù, quán thơ thư pháp, trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống… Các giải thể thao cũng được tổ chức trong dịp này như giải võ cổ truyền nằm trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT cấp huyện; giải vật, cờ tướng, thi tổ tôm điếm, thi và trưng bày gà Hồ, cùng các trò chơi dân gian như: Kéo co, đập niêu, đu tiên...

Để Lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra an toàn tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách tham gia trảy hội, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản cho du khách trảy hội; không gian khu bán hàng, kinh doanh dịch vụ được quy hoạch cách xa trung tâm, phù hợp với cảnh quan lễ hội.

 
Lễ hội Đền Đô

Là một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại. Đây là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, có thể nói đây chính là nơi hội tụ của những con mang họ Lý. Đền tọa lạc tại làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, đây cũng là làng có làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống.

 

Lễ rước hội Đền Đô.

Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất, 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.

Tới Đền Đô, du khách cũng nên ghé thăm Đình làng Đình Bảng, đây cũng là một ngôi đình có kiến trúc độc đáo và cổ nhất của Việt Nam. Được làm một trăm phần trăm từ gỗ lim, đây là nơi hoạt động bí mật của Đảng bộ Việt Nam trong những năm kháng chiến trường kỳ.


Lễ hội Chùa Bút Tháp

Lễ hội Chùa Bút Tháp là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 23 - 24/3 âm lịch hàng năm với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống. Lễ hội gồm hai phần, trong đó phần lễ với những hoạt động tín ngưỡng: lễ cúng Phật, dâng hương, cúng đàn trần tế cầu phúc, cúng Tổ... được diễn ra chủ yếu trong khu nội tự. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo được diễn ra trong hai ngày. Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao các tỉnh bạn.

 
Chùa Bút Tháp.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đã qua, mùa lễ hội xuân trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc với những giá trị lịch sử, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh gắn kết cộng đồng đang tới. Dưới tiết trời mùa xuân thuận lợi, cùng hòa mình vào trong không khí sôi động nhưng cũng đủ trầm lắng, đậm đà bản sắc riêng có vùng Kinh Bắc để được nghe câu ca của người Quan họ “Đến hẹn lại lên”. Mùa lễ hội năm nay, người Bắc Ninh lại mở rộng vòng tay đón bạn bè đến tham quan, trảy hội để rồi lại bịn rịn “Người ơi, người ở đừng về”… hẹn chờ những mùa lễ hội tiếp theo.
H.H