Nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản

01/08/2023 09:15

Xứ sở mặt trời mọc luôn biết cách thu hút trái tim của khách du lịch bởi những điều thú vị và kỳ lạ. Bên cạnh những điểm đến hấp dẫn, Nhật Bản còn nổi tiếng với nền văn hóa đồ sộ và đa dạng. Được biết đến như là một quốc gia có cuộc sống hiện đại ở khu vực châu Á, nhưng không vì thế mà Nhật Bản mất đi những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Văn hóa thưởng trà

Xuất hiện khoảng cuối thế kỷ thứ VII, trà đạo trở thành một loại hình thưởng thức của người Nhật, nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản. Văn hóa thưởng trà của người Nhật phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong cộng đồng, mở ra trong tâm hồn họ một chân trời rộng lớn.

Người Nhật gắn văn hóa thưởng trà với triết lý nhân sinh “hòa” – “kính” – “thanh” – “tịch”. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi của trà đạo Nhật Bản. Thưởng trà, vì thế, không đơn thuần là việc uống trà, mà còn là thưởng thức và nâng cao giá trị tinh thần. Trong đó, “Hòa” chính là là hòa bình; “Kính” là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; “thanh” là thanh tịnh, thanh khiết; còn “tịch’ tức là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo an nhàn.

Kimono – trang phục truyền thống

Trong tiếng Nhật, từ “kimono” có nghĩa là “đồ để mặc” – còn được gọi là hòa phục hay y phục của Nhật. Cũng như áo dài của Việt Nam, kimono là quốc phục của Nhật Bản, được sử dụng phổ biến trong suốt vài trăm năm.

Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập quốc tế cùng tính chất cuộc sống nên Kimono không còn được sử dụng như thường phục mà chỉ được dùng trong những dịp lễ tết, trong đám tiệc hay các lễ hội. Ở Nhật Bản, phụ nữ mặc Kimono phổ biến hơn nam giới. Trong thực tế, có rất nhiều loại Kimono và chúng sẽ được sử dụng và mặc theo nhiều cách khác nhau để phù hợp cho các sự kiện trang trọng hoặc giản dị, hay cho phụ nữ kết hôn và chưa kết hôn. Điểm mấu chốt đó là Kimono được gấp qua trái trước và bên phải ngoài cùng cho tất cả phụ nữ và nam giới.

Geisha

Nhắc đến đặc trưng văn hóa Nhật Bản, không thể không nhắc đến Geisha. Đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo của xứ Phù Tang.

Các nghệ sĩ Geisha Nhật Bản xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ 17 tại những thành phố lớn của Nhật. Điều đặc biệt là tất cả đều là nam giới chứ không phải là nữ giới như hiện tại. Sau thời gian phát triển, phụ nữ tham gia trở thành Geisha nhiều hơn.

Người phụ nữ đầu tiên tự nhận mình là Geisha là vào năm 1750 tại Fukugawa. Người phụ nữ này đã có một màn trình diễn về ca hát và tài năng của mình. Bà cũng được xem là một trong những người đóng vai trò quan trọng cho nét văn hóa Geisha ở Nhật Bản. Cho tới nay, văn hóa Geisha đã ăn sâu vào xã hội Nhật và là một phần được yêu thích kể cả với khách du lịch.

Tinh thần võ sĩ đạo

Gắn liền với lịch sử Nhật Bản, những người võ sĩ đạo trở thành biểu tượng cho lối sống đầy nghị lực, quyết tâm mà người Nhật luôn hướng đến. Đây cũng là tinh thần Nhật Bản – thể hiện ý chí và lòng tự hào của người Nhật.

Để trở thành một võ sĩ đạo chân chính phải rèn luyện được các tính căn: Ngay thẳng, dũng cảm, nhân từ, lễ phép, tự kiểm soát bản thân, lòng trung thành và danh dự. Dựa vào những đức tính tốt đẹp này mà một quốc gia nghèo ở Đông Á, hứng chịu nhiều tổn thất từ chiến tranh thế giới thứ 2 và thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trong những nước có nền công nghiệp và kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Văn hóa truyền thống Sumo

Võ sĩ Sumo là một trong những biểu tượng văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và đấu vật Sumo được xem là một thể thao quốc gia của xứ sở hoa anh đào. Từ thế kỷ thứ 8, Sumo bắt đầu như một cách để cầu mong cho mùa vụ màu mỡ và sau đó phát triển thành một trò chơi phổ biến, trong đó 2 người sẽ thi đấu trong 1 vòng tròn. Người chiến thắng là người có thể triệt hạ đối thủ bằng sự nhanh nhẹn và sức đẩy, buộc họ bước ra khỏi vòng của cuộc chơi.

Nhiều truyền thống cổ xưa đã được bảo tồn trong hình thức đấu Sumo này và thậm chí môn thể thao này còn mang nhiều nghi lễ đặc biệt, như dùng muối để tẩy uế từ Thần đạo chẳng hạn. Hiện nay các trận đấu Sumo vẫn được tổ chức nhưng nó đang dần bị mai một, tuy nhiên đây vẫn là một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản.

Sự phổ biến của Manga – Anime

Nếu Hollywood là vũ trụ của phim Marvel, Disneyland là thế giới thần tiên thu nhỏ thì ở châu Á mà cụ thể là Nhật Bản nổi tiếng với Manga và Anime. Manga là bộ truyền tranh với những khái niệm thú vị và cốt truyện độc đáo. Những câu truyện được thể hiện trên Manga mang đậm giá trị về văn hóa và tinh thần của xứ sở Phù Tang.

Anime là một biến thể của Manga. Những nhà làm phim Nhật Bản đã đưa các tài liệu Manga vào phim ảnh, biến các nhân vật trở nên sống động với những chuyển động và âm thanh khác nhau. Anime có nhiều tập hơn Manga và nó thay đổi dựa trên sự điều chỉnh của tác giả. Tuy không chiếm phần lớn sự yêu thích trên thế giới, nhưng Manga và Anime lại có ảnh hưởng lớn tới xã hội Nhật Bản đương đại.

Văn hóa chào hỏi

Người Nhật có văn hóa chào hỏi rất đặc biệt. Không giống như các quốc gia phương Tây, khi gặp nhau họ thường bắt tay hay ôm hôn, thay vào đó người Nhật tỏ lòng hiếu khách và lịch sử bởi những cái cúi đầu. Đây là một nét văn hóa tiêu biểu của xứ sở hoa anh đào.

Hành động cúi người chào hỏi ở Nhật phụ thuộc vào đối tượng mà bạn gặp gỡ. Thông thường sẽ có 3 kiểu cúi đầu được sử dụng là cúi người 15 độ áp dụng cho giao tiếp hàng ngày với những đối tượng là bạn bè, đồng nghiệp... Cúi đầu 30 độ thường để thể hiện thái độ trang trọng, lịch sự, được áp dụng trong lần gặp đầu và cúi 45 độ khi muốn tỏ lòng biết ơn với người đã chào đón bạn bằng cả trái tim.

Cởi giày trước khi vào nhà

Đây là phép lịch sử tối thiểu, cũng là văn hóa ứng xử lâu đời của Nhật Bản. Tuy nhiên sẽ khó để biết được liệu có thực sự cần tháo giày ra trước khi vào một tòa nhà, đền thờ, chùa hay nhà hàng ở Nhật hay không. Chính vì thế, việc tìm hiểu một số yếu tố về nét văn hóa này sẽ giúp bạn không gặp phải rắc rối về vấn đề giày dép khi đi du học Nhật hay đến đi du lịch tại đây.

Bạn có thể nhận diện địa điểm mình tới có cần cởi giày hay không bằng cách quan sát. Chẳng hạn như nếu dép được đặt xung quanh lối vào thì đó là dấu hiệu thể hiện rằng khách nên tháo giày ra ngoài và mang dép vào. Nếu sàn nhà cao hơn ở lối vào thì nó cũng có ý nghĩa là khách nên cởi giày trước khi bước vào bên trong.

P.V