Ngăn chặn những biến tướng mới nảy sinh
Những năm qua, đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các ngành, các cấp ghi nhận bằng sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.
Múa lân rồng, nét đẹp ở lễ hội Đền Đô năm 2012.
Đổi mới, tiến bộ là điều mà bất cứ ai cũng nhìn thấy rõ và không thể phủ định. Tuy nhiên, song song với loại trừ, dẹp bỏ bớt những thủ tục lạc hậu rườm rà thì cũng cần sớm quan tâm đến việc ngăn chặn những biến tướng mới nảy sinh trong xã hội hiện đại. Muốn vậy, sự chung tay đồng thuận của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội cần được thực hiện trong quá trình lâu dài và liên tục.
Sau hơn 10 năm kiên trì và liên tục thực hiện NSVM, đời sống văn hóa ở các khu dân cư trong tỉnh đã có nhiều đổi mới lành mạnh, văn minh, đồng thời có tác động và ý nghĩa thiết thực đến lợi ích của mỗi gia đình, người dân. Hầu hết các đám cưới đều thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, đăng ký kết hôn trước khi cưới. Nhiều xã đã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn trang trọng và có ý nghĩa; phần lớn các đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không bày thuốc lá, mời khách đúng thành phần và thời gian tổ chức không quá 1,5 ngày.
Các đám tang đều thực hiện nghiêm túc qui định của Nhà nước, trong đám tang không còn hiện tượng phúng viếng bằng lễ chín, việc làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ giảm. Các địa phương đều có ban tang lễ giúp gia chủ tổ chức tang lễ trang nghiêm, chu đáo. Đặc biệt, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng, điện táng theo tinh thần Nghị quyết số 22 ngày 19-7-2011 của HĐND tỉnh.
Theo thống kê của Phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì từ 1-8-2011 đến 31-7-2012, toàn tỉnh có 659 đám tang hỏa táng, đạt 13,6% so với tổng số (cả năm 2010, số đám tang thực hiện hỏa táng chỉ đạt 2,7%). Nhiều địa phương có số đám tang hỏa táng tương đối cao như thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành… Ngoài việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng theo quy định của tỉnh, một số địa phương đã hỗ trợ thêm cho các gia đình có đám tang hỏa táng với số tiền từ 1,5 đến 4 triệu đồng/đám như: Đông Thọ, thị trấn Chờ (Yên Phong), Phù Khê (Từ Sơn)...
Về việc quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng gìn giữ, phát huy được bản sắc văn hóa thông qua việc khôi phục lại những trò chơi dân gian, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, tiêu biểu như. Các hiện tượng tiêu cực, các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội đã và đang từng bước được hạn chế.
Dẫu vậy, việc thực hiện NSVM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại và đang bắt đầu có nảy sinh những biến tướng mới cần sớm được sự quan tâm, kiên quyết loại bỏ. Bởi, nếu để lâu lại trở thành tập tục quen thuộc, ăn sâu bám rễ trong đời sống nhân dân và khi đó tình trạng nan giải “phép vua thua lệ làng” sẽ lại xảy ra.
Có thể thấy những phát sinh gây lãng phí mới nổi trong việc cưới hiện nay như: Tình trạng sử dụng hoa tươi một cách thái quá; chụp ảnh cưới ngoài trời; ngoài tiệc mặn còn sử dụng bánh kẹo, rượu tây, nước ngọt… Một vài nơi còn xem lễ cưới là lúc để phô trương, khoe của bằng việc đọc trên loa những người tặng tiền, vàng cho cô dâu chú rể; những gia đình cạnh đường giao thông còn dựng rạp cưới lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông…
Đối với việc tang, nhiều địa phương hạn chế được các thủ tục rườm rà trong đám tang nhưng hậu đám tang lại tổ chức mời khách ăn uống vào các ngày tuần tiết, giỗ đầu, cải táng… Đặc biệt, hậu đám tang đã nảy sinh việc chuẩn bị mua sắm đồ cúng lễ để đưa vong hồn người chết “lên chùa” vừa gây lãng phí vừa tạo ra tâm lý so sánh giữa nhà giàu, nhà nghèo trong nhân dân.
Trong tổ chức lễ hội có nơi khôi phục lại các nghi lễ truyền thống nhưng không hiểu đúng và đầy đủ về ý nghĩa nguyên gốc, thương mại hóa, trục lợi kinh tế từ các nghi thức truyền thống làm “méo mó” giá trị lễ hội. Hay như việc các gia đình mời nhau dự hội lệ, đã có nhiều nhà làm đến vài chục mâm cỗ để mời bạn bè về dự hội làng. Vào dịp đầu xuân mới, không ít người bỏ công, bỏ việc để đi ăn hội, có người một ngày “trảy hội” ở 4 làng…
Để việc thực hiện NSVM đạt hiệu quả thì song song với loại bỏ những thủ tục lạc hậu, rườm rà, mỗi địa phương cần chủ động quan tâm đến công tác giám sát, đấu tranh phê bình, ngăn chặn những biến tướng mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại.
Nguồn:
BBN