Ngành Điện chủ động các phương án ứng phó bão số 3 (bão Yagi)
(BNP) - Chiều 5/9, Công ty Điện lực Bắc Ninh triển khai các phương án trực xử lý sự cố, ứng phó cơn bão số 3 (Yagi).
Ngành Điện Bắc Ninh chủ động ứng phó với bão số 3.
Để chủ động ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn cho con người, hạn chế thiệt hại về tài sản, kịp thời xử lý sự cố lưới điện, Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh yêu cầu các Trưởng đơn vị trực thuộc bố trí ngay lãnh đạo đơn vị, lực lượng trực xử lý sự cố trực tiếp tại đơn vị từ 0h ngày 7/9/2024 đến 7h ngày 9/9/2024 (thời điểm kết thúc có thể theo diễn biến thực tế cơn bão, theo lệnh chỉ đạo của Giám đốc Công ty). Các đơn vị xây dựng lịch trực cụ thể gửi về Công ty thông qua phòng Điều độ trước 10h ngày 6/9/2024 để căn cứ kiểm tra, giám sát.
Trước đó, ngày 4/9, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát và xử lý triệt để các điểm xung yếu, có nguy cơ gây mất an toàn cho lưới điện; chằng néo cửa phòng làm việc, phòng phân phối, phòng điều khiển trung tâm và chụp túi bạt cho tủ MK tại các TBA 110 kV để đề phòng sự cố khi có mưa bão. Báo cáo kịp thời tình hình sự cố và các thiệt hại do thiên tai gây ra về phòng Điều độ và phòng An toàn Công ty để triển khai các phương án xử lý kịp thời.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (ngày 5/9/2024), bão số 3 (Yagi) đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Với hướng tây, tốc độ 10 km/h, đến 10h ngày mai tâm bão cách đảo Hải Nam khoảng 120 km, cách Quảng Ninh khoảng 550km, duy trì cấp siêu bão. Siêu bão sau đó chếch lên bắc một chút, tốc độ 15-20 km/h và vào gần bờ thì giảm cấp. Đến 10h ngày 07/9, tâm bão ở bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 120 km, sức gió giảm còn cấp 13, giật cấp 16, vẫn rất mạnh. Dự báo, bão số 3 sẽ chếch lên phía Bắc qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi vào vịnh Bắc Bộ. Ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 11-14, vùng tâm bão cấp 15-16, giật cấp 17, sóng biển cao 10-12 m.
Bão sau đó đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.