Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

17/03/2013 08:38
(BNP) – Tối 16/3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh diễn ra Lễ đón nhận “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Ảnh: Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ hay còn có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đồng Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là dòng tranh sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống, sử dụng chất liệu có sẵn trong thiên nhiên.
 
Tranh dân gian Đông Hồ hội tụ đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, phản ánh sâu sắc về tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam.
 
Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe)...
 
Trên cơ sở những màu sắc cơ bản ấy, người dân đã tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ việc trộn lẫn các màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn.
 
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tồn tại từ thế kỷ XVI, phát triển rực rỡ vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Trải qua bao đổi thay, người làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay không còn nhiều, hiện chỉ còn một số nghệ nhân như ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam vẫn gìn giữ và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ và trở thành điểm du lịch thu hút du khách du lịch.
 
Sắp tới, Bắc Ninh sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO để tranh dân gian Đông Hồ thành “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này./.
Nguyên A Tuấn
Nguồn: BBN