Nhà thờ hai vị Quận công họ Nguyễn
(BNP) - Nhà thờ hai vị quận công họ Nguyễn, làng Chi Long, xã Long Châu, huyện Yên Phong vốn được dựng lên từ thời Lê và trải qua nhiều lần tu tạo. Thời Nguyễn năm Bảo Đại 6 (1930) trùng tu lớn. Đến năm 2008, nhà thờ tiếp tục được tu sửa lại. Nhà thờ đã đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 136/QĐ-CT ngày 29/1/2003 của UBND tỉnh.
Toàn cảnh khuôn viên Nhà thờ.
Họ Nguyễn là một gia tộc lớn nổi tiếng của làng Chi Long nói riêng và xứ Kinh Bắc nói chung bởi qua các đời, dòng họ đã có nhiều người làm quan, giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Tiêu biểu nhất trong gia tộc là hai vị: Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ được thăng chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân phó chưởng Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự, chưởng giám đề đốc; Đặng quận công Nguyễn Đình Thế (Cháu đời thứ 4 của cụ Nguyễn Tiến Cơ) giữ chức Hữu hiệu điểm, gia tặng Thái Bảo, gia phong Thuần chính bảo vệ đại vương.
Ban thờ chính được đặt tại tòa nhà ngoài trong Nhà thờ.
Theo các tài liệu để lại, Hải Quận Công Nguyễn Tiến Cơ sinh năm Ất Tỵ (1605) thuộc đời Vua Lê Kinh Tông. Từ nhỏ, ông theo mẹ vào cung. Khi lớn lên, là người giỏi văn võ nên được tuyển dụng làm quan trong triều. Do có tài cao, đức độ có công lớn trong triều nên ông được thăng giữ chức Phó chưởng đề lĩnh tứ thành quản vụ sự, sau đó lại được thăng Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân đề đốc, tước Hải quận công là trụ cột trong triều.
02 tượng thờ 02 vị Quận công.
Không chỉ có nhiều công lao với triều đình, Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ còn có nhiều công lao với nhân dân. Khi về quê thấy cảnh nhân dân các tổng hạ lưu huyện Yên Phong bị ngập úng, mất mùa, đói kém hàng năm, ông làm biểu tâu triều đình xin đắp đê “Tràng Cày” ngăn nước lũ tràn về khi mưa lớn, làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện. Hơn nữa, ông còn bỏ tiền hưng công tu sửa từ đường, thiết lập dinh trại, trùng tu đình, chùa, sửa chữa đường xá...
Các ban thờ trong tòa phía trong.
Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ có ba người con trai đều giữ những chức quan quan trọng, hai người làm phò mã nhà Trịnh. Đến đời cháu của ông cũng phát huy truyền thống của dòng tộc.
Các bia đá còn được lưu giữ trong khuôn viên Nhà thờ.
Cháu đời thứ 4 của Hải quận công Nguyễn Tiến Cơ là Đặng quận công Nguyễn Đình Thế, tự là Phúc Quảng, thuỵ là Đôn Trực, làm quan đến chức phụ quân thượng tướng quân. Tuy giữ chức quan trọng trong triều nhưng ông vẫn ôn hoà, dung dị làm việc nghĩa, quan tâm đến dân làng. Ngoài ra, phu nhân của Đặng quận Công Nguyễn Đình Thế là người có dòng dõi trâm anh, đoan trang, đức hạnh. Cùng với chồng bà đã làm việc nghĩa với dân làng như: hưng công tu sửa chùa, đúc tượng phật, làm đường xá… được nhân dân địa phương tôn làm hậu phật.
Nhà thờ hai vị quận công họ Nguyễn hiện có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm 2 tòa. Tòa phía ngoài gồm 3 gian, bộ khung gỗ, kết cấu bộ vì kiểu “con chồng giá chiêng, kẻ ngồi”. Cửa được mở ở gian chính giữa, hướng Nam. Kiến trúc theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai. Tòa phía trong 3 gian, bộ vì nóc kiểu quá giang gác tường đơn giản.
Ngai thờ và bia thờ được lưu giữ trong Nhà thờ.
Các tấm sắc phong.
Hiện trong Nhà thờ còn lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu có giá trị như: 02 sắc phong (1731, 1734); bia “Hạ trùm chưởng quan bi ký” năm 1649; mâm bồng, bát hương đồng có niên đại thời Nguyễn; tượng thờ; 02 con ly đá…
Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Nhờ thờ hai Quận công họ Nguyễn.
Nhà thờ họ Nguyễn là nơi thờ tự tổ tiên dòng họ Nguyễn, nơi đoàn tụ, gắn kết con cháu các chi họ trong những ngày sự lệ, giỗ chạp. Giỗ tổ của dòng họ vào ngày 6/2 âm lịch hàng năm. Đây là những dịp để con cháu lại tề tựu đông đủ, quây quần để tình thân càng thêm gắn bó. Giáo dục đạo đức và truyền thống tốt đẹp của cha ông cho con em thế hệ sau.