Nhà thờ họ Nguyễn Quý
(BNP) - Nhà thờ họ Nguyễn Quý, thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, trải qua thăng trầm lịch sử và hai cuộc chiến tranh, nhà thờ đã bị phá huỷ. Năm 1999, được sự quan tâm của toàn gia tộc Nguyễn Quý, nhà thờ đã được xây dựng lại.
Nhà thờ có kết cấu hình chữ Đinh.
Nhà thờ họ Nguyễn Quý nằm trên khu đất có diện tích gần 700m2. Nhà thờ có kết cấu hình chữ Đinh gồm các toà Tiền đường 5 gian và Hậu cung 3 gian. Trong đó, Tiền đường được làm theo kiểu bình đầu bít đốc, cột trụ lồng đèn, hai mái tay ngai, mái lợp ngói ta. Kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền. Phía trước mở cửa 3 gian giữa, 2 gian hồi trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn, hai bên là hai cột đồng trụ.
Cổng Nhà thờ họ Nguyễn Quý.
Hậu cung gồm 3 gian nối liền và vuông góc với Tiền đường, được trùng tu năm 2003. Bộ khung được làm bằng bê tông, đổ trần, phía trên lợp ngói ta, 4 mái đao cong. Hậu cung là nơi linh thiêng thờ phụng các bậc tiên tổ dòng họ Nguyễn Quý. Tại gian giữa là ban thờ các thuỷ tổ dòng họ được xây bằng gạch trên đặt ngai thờ, bài vị cùng các đồ thờ tự như bát hương, cây nến, đỉnh đồng, đài nước. Gian bên trái là ban thờ hậu, gian bên phải là ban thờ các anh hùng liệt sỹ của gia tộc trong hai cuộc kháng chiến.
Trên nóc Tiền đường có dòng chữ tạm dịch là Dòng họ Nguyễn Quý.
Hiện nay dòng họ Nguyễn Quý có hai chi gồm: Chi trưởng hiện định cư tại làng Guột, xã Việt Hùng, Quế Võ. Trong chi trưởng có 3 cụ đã từng làm quan và dạy học tại trường Quốc Tử Giám là: Quốc Tử Giám giám sinh Bác văn đường Nguyễn Quý Công, tự Thế Bình, hiệu Thanh Tu phủ quân. Quốc Tử Giám giám sinh Tu nghiệp đường Nguyễn Quý Công, tự Thế Bảo, hiệu Đảm Đường phủ quân. Quốc Tử Giám giám sinh Ước lễ đường Nguyễn Quý Công, tự Quý Chiêu, hiệu Hoà đạt phủ quân. Trong số 27 vị tiên hiền được thờ ở văn chỉ làng, có tới 08 vị là người họ Nguyễn Quý.
Hương án tại tòa Tiền đường được sơn son thiếp vàng.
Chi thứ hai hiện ở phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn. Trong chi có người con gái Nguyễn Thị Cận là vợ vua Lê Hiến Tông, sinh ra vua Lê Uy Mục, được phong là Chiêu Nhân Duệ hoàng hậu. Hoàng hậu Nguyễn Thị Cận có bốn anh em, đều làm quan dưới triều Lê (sau này đã tạo thành 4 chi họ): cụ Nguyễn Phúc Tiên (ở Ngọc Mỹ, Thanh Oai, Hà Nội), cụ Nguyễn Phúc Tâm (ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), cụ Nguyễn Quý Nhã (Kinh Môn, Hải Dương), cụ Nguyễn Bá Thắng (ở Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh).
Hậu cung là nơi đặt bài vị thờ các vị dòng họ Nguyễn Quý.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 05 ngai thờ, 03 mâm bồng, 01 hoành phi, 04 câu đối, 03 đỉnh hương thuộc thế kỷ thứ XX.
Sắc phong các đời Vua ban tặng treo trong Nhà thờ họ.
Di tích nhà thờ họ Nguyễn Quý không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá của gia tộc, là nơi thờ cúng các bậc tiên tổ mà còn là nơi tưởng niệm sâu sắc các nhà khoa bảng, các nhà trí thức nho học của gia tộc. Bên cạnh đó, Nhà thờ còn là nơi cội nguồn, gắn kết tình anh em huynh đệ, con cháu trong gia tộc, là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống tốt đẹp của cha ông, qua đó giúp con em dòng họ hiểu hơn về lịch sử cội nguồn cũng như sự phát triển vẻ vang của dòng họ.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Nhà thờ họ Nguyễn Quý được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1308/QĐ-UBND, ngày 27/11/2013.