Nhật Bản, Quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam
(BNP) - Trong suốt nửa thế kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mang lại nhiều thành quả tích cực và đáng ghi nhận. Đến nay, Nhật Bản không chỉ là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam mà còn hỗ trợ nhiều công nghệ, kỹ thuật quý báu, trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tiếp Đoàn chuyên gia gốm Nhật Bản.
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Nhật Bản và Việt Nam đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đã tạo ra chuyển biến lớn cho các hoạt động hỗ trợ của JICA. Trước đó, Nhật Bản đã xây dựng Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng), hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Trường Đại học Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy…
Sau đó, kể từ năm 1992, Nhật Bản thường xuyên cung cấp hỗ trợ thông qua các dự án hợp tác vốn vay ODA, dự án viện trợ không hoàn lại và dự án hợp tác kỹ thuật, với tổng số vốn ODA lũy kế lên đến hơn 3 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 600 nghìn tỷ đồng) tính đến năm 2023, đưa Nhật Bản trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước thành viên OECD. Hiện nay, JICA đang thực hiện tại Việt Nam hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, nông nghiệp...
Nhật Bản đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hiện đang có 104 dự án của Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản với vốn đăng ký là 19,2 triệu USD.
Năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 50 tỷ USD. Trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.
Những hợp tác nổi bật kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam góp phần củng cố nền tảng phát triển kinh tế của Việt Nam phải kể đến các dự án lớn như: phát triển các tuyến đường cao tốc như Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, xây dựng các công trình cảng (cảng Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Nội Bài), xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời…
Công trình tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang xây dựng cũng sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản với thời hạn cho vay dài, ổn định, lãi suất ưu đãi thấp, không chỉ vậy, sau khi công trình hoàn thành, JICA sẽ triển khai hợp tác kỹ thuật như đào tạo nguồn nhân lực cho công tác vận hành, bảo trì.
Trong lĩnh vực y tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các bệnh viện nòng cốt như Bệnh viện Bạch Mai, JICA cũng hợp tác hỗ trợ Việt Nam sản xuất 100% vaccine sởi, rubella phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong lĩnh vực giáo dục, JICA đã và đang hợp tác với Đại học Cần Thơ hơn 50 năm qua và trong những năm gần đây, JICA tiếp tục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thông qua dự án hợp tác với Đại học Việt Nhật (VJU) và các khóa đào tạo tại Nhật Bản. Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai các hỗ trợ đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực mới như cải thiện khuôn khổ pháp lý, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục được xác định là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Nhất là việc triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, thể hiện ở các điểm chính sau đây:
ODA Nhật Bản để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn (như sân bay, cảng biển, cầu và đường, hạ tầng đô thị…) đã tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, qua việc thực hiện các dự án ODA vốn vay và các chương trình đào tạo của JICA. Nhiều công nghệ tiên tiến cũng sẽ được chuyển giao cho Việt Nam như lắp ráp vệ tinh (thông qua dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất), kỹ thuật xây dựng cầu, đường (đặc biệt đối với các cầu lớn).
Gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản. Đặc trưng ODA Nhật Bản là được sử dụng cho các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như phát điện, cấp thoát nước, giao thông vận tải, qua đó cải thiện hạ tầng kinh tế xã hội và có tác động to lớn trong việc thu hút FDI ở Việt Nam.
Tác động trực tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản thông qua các dự án phát triển hạ tầng kinh tế quy mô nhỏ, đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện, đường giao thông nông thôn, cầu nhỏ và các công trình cấp nước, điện sinh hoạt tại các địa phương nghèo, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Các dự án ODA hạ tầng quy mô lớn góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và FDI, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn; Các dự án viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như cử tình nguyện viên đến công tác tại các địa phương của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở....
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, và mối quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Trong tương lai, không chỉ JICA mà các bên liên quan như các trường đại học Nhật Bản, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan… sẽ tiếp tục hợp tác thông qua các dự án ODA nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển hơn nữa.