Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 3/2023
(BNP) - Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử; Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động; Siết chặt quản lý việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ; Bỏ tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên… là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2023.
Ảnh minh họa.
Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip điện tử
Từ ngày 01/3/2023, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Hộ chiếu có gắn chíp điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp, có tính bảo mật thông tin cao vì được lưu trữ trong con chip, tránh nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân và bị làm giả.
Theo Bộ Công an, chíp điện tử gắn trên hộ chiếu mẫu mới chỉ đơn thuần lưu trữ thông tin, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi người được cấp hộ chiếu. Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song song. Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử được sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.
Người lao động được tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật
Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 01/3, quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Cụ thể, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau: Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, hiện vật bồi dưỡng không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương).
Siết chặt quản lý việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3.
Theo Thông tư, việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được quy định rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch ngay từ đầu vào. Cụ thể, tiền công đức, tài trợ sẽ được tiếp nhận theo một trong 04 phương thức sau:
(1) Tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
(2) Tiếp nhận tiền mặt: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức hoặc tiền đặt không đúng nơi quy định thì gom chung và định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
(3) Tiếp nhận giấy tờ có giá: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.
(4) Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Thông tư cũng quy định việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoặc sở hữu tư nhân thì người đại diện hoặc chủ sở hữu cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên
Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.
Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.
Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước
Nghị định 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 20/3.
Nghị định nêu rõ quy định về điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước (Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển; giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất) phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
2- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
3- Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 của Luật Tài nguyên nước, điều kiện quy định tại (1) và (2) nêu trên và các điều kiện sau đây:
Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
Nghị định nêu rõ, trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng nước mà chưa có giấy phép tài nguyên nước, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định trên.
Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác, sử dụng nước không có giấy phép tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.