Nhiều vấn đề cử tri quan tâm trong lĩnh vực công thương được trả lời trước HĐND tỉnh

08/12/2017 14:05

(BNP) – Tiếp tục phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Đức Quyết đã trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh về lĩnh vực quản lý của ngành.

Giám đốc Sở Công Thương Vũ Đức Quyết.

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Thị Thanh Huyền (huyện Thuận Thành) về việc triển khai chương trình thí điểm chiếu sáng học đường, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2014 – 2015, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương và Kế hoạch của UBND tỉnh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn thực hiện dự án xây dựng mô hình điểm chiếu sáng học đường cho 27 trường tiểu học với 190 phòng học.
 

Đại biểu Dương Thị Thanh Huyền.

Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, các lớp học đã lắp đặt đạt yêu cầu về mục tiêu giảm thiểu tác nhân gây bệnh về mắt do thiếu ánh sáng, độ rọi, sấp bóng… Chất lượng chiếu sáng lớp học đạt tiêu chuẩn, ánh sáng phân bổ đồng đều, vị trí bảng có đèn chiếu sáng cục bộ, giúp cho các em ngồi cuối lớp vẫn quan sát tốt, tiết kiệm điện năng, chi phí đầu tư cải tạo không lớn.
 
Nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực, có tính xã hội cao, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho nhân rộng trên địa bàn tỉnh và được đồng ý cho thực hiện thêm 400 lớp học tại 36 trường Tiểu học và THCS theo cơ chế ngân sách hỗ trợ 50%, đã thực hiện xong trong năm 2016. Từ năm 2017 – 2020, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình theo hướng xã hội hóa. Về vấn đề này, Sở Công Thương cho rằng, trên địa bàn tỉnh còn hơn 3.600 lớp học cần phải cải tạo lắp đặt hệ thống chiếu sáng và được thực hiện trong 3 - 4 năm. Việc huy động 100% từ nguồn xã hội hóa có thể phát sinh các hệ lụy, thiếu sự thống nhất, một số địa phương sẽ phân bổ đóng góp theo đầu học sinh, thời gian thi công sẽ kéo dài, chính vì vậy Sở đang tiếp tục nghiên cứu để tìm giải pháp phù hợp hơn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Quý.

Đại biểu Nguyễn Thị Quý (huyện Tiên Du) cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 vừa phê duyệt xong đã phải bổ sung và điều chỉnh. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Công thương làm rõ vì sao phải bổ sung điều chỉnh quy hoạch và việc bổ sung có ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
 
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 là quy hoạch tốt nhất từ trước tới nay, các dữ liệu cơ cấu cấp điện áp và hệ thống truyền tải, công suất trạm, phân bố hệ thống đảm bảo đi trước nhiều bước, dự tính có khả năng chia sẻ một phần công suất cho địa phương lân cận. Với năng lực đó sẽ đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dự báo tăng trưởng bình quân 12,9% trong giai đoạn 2015 – 2025 và tăng trưởng bình quân 9% giai đoạn 2025 – 2035. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian qua, Sở Công Thương đã tiến hành bổ sung và điều chỉnh một số quy hoạch để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới.
 
Để việc triển khai các dự án điện đảm bảo tiến độ theo quy hoạch, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các xã phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Ninh thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, nhất là hành lang đường điện từ 22kv trở lên. Đồng thời, hỗ trợ Công ty Điện lực trong công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án trên địa bàn.
 

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh Đỗ Quốc Long.

Liên quan tới vấn đề điện lực, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Công ty Điện lực Bắc Ninh trả lời, làm rõ phản ánh của cử tri về việc một số tập thể, cá nhân thuê nhà ở không mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực mà phải mua qua chủ cho thuê nên phải trả tiền điện cao hơn giá quy định.
 
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh Đỗ Quốc Long cho biết, theo Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương về quy định thực hiện giá bán điện, mỗi địa điểm thuê nhà ký 01 hợp đồng mua bán điện; trường hợp hộ gia đình thuê, chủ nhà ký hoặc ủy quyền cho người thuê ký mỗi hộ được tính 01 định mức.
 
Trường hợp sinh viên, người lao động thuê nhà thì căn cứ vào tạm trú tính 04 người là một hộ sử dụng. Đối với người thuê tạm trú dưới 12 tháng thì chủ nhà ký hợp đồng trực tiếp với điện lực, nếu trên 12 tháng thì chủ nhà ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho người thuê ký nhưng phải có cam kết trả tiền điện của chủ nhà. Khi có thay đổi số người thuê nhà, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho điện lực sở tại biết để điều chỉnh mức số hộ dùng chung. Trường hợp không kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ sinh hoạt bậc thang thứ 3 (từ 101 – 200kW) cho toàn bộ sản lượng theo giá mới là 1.858 đồng/kW.
 
Công ty Điện lực Bắc Ninh cũng hướng dẫn chi tiết cho các chủ hộ cho thuê nhà ở, tuy nhiên một số chủ hộ cố tình tính giá điện cao hơn. Công ty Điện lực Bắc Ninh đã phối hợp với Sở Công Thương tiến hành kiểm tra, vận động các chủ hộ thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
 
Giám đốc Sở Công Thương cũng giải trình nhiều vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến chất lượng tăng trưởng và chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương; liên kết giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công; vai trò liên kết 4 “nhà”; chất lượng hàng hóa bán tại các hội chợ thương mại; ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; giải pháp phát triển các CCN; thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại;…

 

S.T