Nhiều việc làm thiết thực trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động

07/06/2019 08:57

(BNP) - Diễn ra từ ngày 1/5 – 31/5, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong các cấp, ngành, đơn vị sản xuất, kinh doanh và người lao động về công tác ATVSLĐ.

Lễ mít tinh Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019.

Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, Lễ mít tinh Tháng hành động được tổ chức tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Tiên Sơn) với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một số sở, ngành, địa phương, đại diện nhiều doanh nghiệp và hàng trăm lao động. Tại buổi mít tinh, các đại biểu tham dự được cung cấp nhiều thông tin về tình hình thực hiện ATVSLĐ trên địa bàn; tổ chức diễu hành tuyên truyền tại KCN Tiên Sơn và nhiều địa phương. Đồng thời, trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Cục trưởng Cục An toàn lao động cho 5 tập thể, 2 cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ năm 2018.

Đặc biệt, trong Tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi 19 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động với tổng số tiền 24,9 triệu đồng; chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ-PCCN tại 14 doanh nghiệp, qua đó trực tiếp phát hiện nhiều lỗi vi phạm, nhắc nhở yêu cầu phía doanh nghiệp khắc phục hoặc đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt hành chính để tạo sức răn đe. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; kiểm tra, bảo dưỡng, bảo đảm các máy móc, thiết bị được sử dụng, vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; thăm hỏi, tặng quà gia đình người lao động bị tai nạn gặp khó khăn…

Thông qua Tháng hành động về ATVSLĐ với nhiều hoạt động thiết thực đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đây cũng là dịp để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách lao động trên địa bàn đồng thời giúp các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá đúng thực trạng ATVSLĐ từ đó điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người lao động, vì sự phát triển bền vững.

Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển với nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vì thế công tác ATVSLĐ luôn được tỉnh quan tâm. Bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các quy định của Nhà nước như: Luật ATVSLĐ, các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ. Các ngành hữu quan, cơ quan, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp tích cực bảo đảm ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Song, thực tế vẫn tồn tại khá nhiều bất cập trong thực hiện ATVSLĐ như: Các cuộc thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động còn ít, mỗi năm chỉ kiểm tra được 3% tổng số doanh nghiệp. Hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ nhiều nơi chưa cao, nhất là tuyến huyện, xã; triển khai công tác ATVSLĐ tại các làng nghề hiệu quả chưa rõ rệt. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và tổ chức công đoàn cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác ATVSLĐ, có đơn vị thực hiện không nghiêm việc kiểm định, khai báo máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Một bộ phận người lao động ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ kém, chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn... Đặc biệt, tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều. Riêng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 236 vụ tai nạn lao động khiến 239 người bị nạn, trong đó 21 người chết (trong số người chết có 11 người chết do tai nạn giao thông được coi là TNLĐ) 59 người bị thương nặng./.

H.V