Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đoàn tàu Không số và Đặc công Hải quân
Tháng 10/1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và tháng 1/1964 đổi tên là Đoàn 125 Hải quân, hay còn gọi là Đoàn tàu Không số.
Vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển
Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phát huy truyền thống, thành tích mở đường vận tải chiến lược trên biển, tiếp tục nêu cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” sẵn sàng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đoàn kết chủ động khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ tập thể, ý chí chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, vượt qua các tuyến bao vây, phong tỏa gắt gao của địch để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nơi xa nhất và khó khăn, gian khổ nhất ở miền Nam. Tính từ tháng 10/1962 đến tháng 2/1965, đơn vị đã thực hiện hơn 80 chuyến, chở được hơn 4.400 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường.
Từ cuối năm 1963, đơn vị được bổ sung thêm các phương tiện vận chuyển vỏ sắt với trọng tải 50-100 tấn; kết hợp sử dụng nhiều loại tàu vỏ sắt, vỏ gỗ, trọng tải 20- 100 tấn làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Sau sự kiện tàu C143 bị lộ và tổn thất tại Vũng Rô tháng 2/1965, địch tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, phong tỏa gắt gao và đánh phá ác liệt các tuyến vận tải chi viện của ta. Chúng theo dõi, giám sát, khống chế các tàu của ta trong suốt hành trình khi còn đang ở vùng biển quốc tế, thậm chí từ khi xuất phát ở Hải Nam, Trung Quốc. Nhiều chuyến tàu ra đi phải quay về hoặc gặp địch phải chiến đấu và hy sinh; có chuyến bị địch thu được cả tàu và vũ khí (Tàu C187 chở hàng vào Trà Vinh tháng 6-1966; Tàu C198 chở hàng vào Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 7/1967). Có năm, do địch ngăn chặn đánh phá ác liệt nên 100% chuyến đi không đến được bến giao hàng, một số phải quay lại, một số bị tổn thất, có năm tổn thất tới 50% (1967, 1968)… Song những khó khăn thử thách ác liệt ấy không thể ngăn cản được những chuyến đi của các con tàu và cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số vận tải chi viện chiến trường.
Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng và các cấp ủy, chỉ huy của Đoàn tàu Không số đã cùng với cán bộ, chiến sĩ của đoàn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, kiên cường đấu trí với các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kiên trì tìm ra các phương án, tuyến đi mới, cải dạng tàu thuyền, sẵn sàng đương đầu với những thử thách khốc liệt, vô cùng hiểm nguy đang rình rập ở phía trước, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại. Tiêu biểu như các tập thể Tàu 41 (sau là 641 và nay là 671), 42 (sau là 643), C235, C69, C161, C154, C43, C54, C55, C56 và các đồng chí liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh (Thuyền trưởng tàu C235), liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Chính trị viên tàu C645), liệt sĩ Lê Văn Một (Thuyền trưởng tàu 41), liệt sĩ Nguyễn Chánh Tâm (Thuyền trưởng Tàu 165), liệt sĩ Đinh Đạt (Thuyền trưởng Tàu C54), Đặng Văn Thanh (Chính trị viên Tàu 41), Nguyễn Đắc Thắng (Thuyền trưởng Tàu C43), Bông Văn Dĩa (Chính trị viên Tàu Phương Đông 1), Huỳnh Văn Sao (máy trưởng Tàu C41)…
Từ năm 1962-1972, Đoàn tàu Không số đã thực hiện gần 170 lần chuyến tàu, thành công 65,06% số chuyến, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Các tàu đã vận tải hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 vận chuyển vào chiến trường; vận chuyển phục vụ chuyển tải bí mật gần 700 tấn hàng hóa vũ khí cho các tàu của Đoàn 371, Quân khu 9 ở trên biển.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 các tàu của Đoàn 125 đã thực hiện 173 lần chuyến, gần 18 nghìn lượt người và gần 9.000 tấn vũ khí, hàng quân sự vào chiến trường miền Nam và chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lập chiến công xuất sắc trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà
Đồng thời với tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường, Quân chủng Hải quân còn nghiên cứu, sáng tạo ra cách đánh Đặc công Hải quân, tổ chức huấn luyện lực lượng chiến đấu bằng phương thức tác chiến đặc công nước để chi viện cho chiến trường miền Nam và trực tiếp tổ chức lực lượng tham gia chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà.
Cuối năm 1961, Cục Hải quân đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép tổ chức lực lượng Đặc công Hải quân để huấn luyện, tìm phương pháp đánh tàu mặt nước của địch. Ngày 23/10/1963, Đội 1 Đặc công Hải quân được thành lập làm nhiệm vụ nghiên cứu tình hình hoạt động của tàu thuyền địch, nghiên cứu phương pháp tổ chức, xây dựng lực lượng và huấn luyện, thử nghiệm cách đánh tàu mặt nước của địch… để tham mưu cho cấp trên tổ chức lực lượng Đặc công Hải quân chi viện cho miền Nam tiến công địch trên chiến trường sông biển.
Tàu quét mìn của địch bị Đặc công Hải quân đánh chìm năm 1968. Ảnh: Tư liệu
Đầu năm 1964, Đoàn 8 Đặc công Hải quân được thành lập, biên chế thành 3 đội huấn luyện kỹ thuật đánh tàu địch bằng ba cách: Đánh áp mạn, đánh bằng thủy lôi và đánh bằng hỏa lực bắn thẳng.
Tháng 12/1964, kết thúc khóa huấn luyện đầu tiên, 150 đồng chí được chi viện cho các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, quận Thủ Đức (Sài Gòn), Tây Nam Bộ và tăng cường cho Tiểu đoàn 43 Rừng Sác xây dựng thành Đoàn 10, Rừng Sác (Đặc công Rừng Sác). Số còn lại, tổ chức thành một đội hoạt động ở các cửa sông khu vực Nam Quân khu 3 và Quân khu 4 sẵn sàng đánh địch nếu chiến tranh lan rộng ra miền Bắc.
Ngày 13/4/1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn huấn luyện trinh sát đặc công lấy phiên hiệu là Đoàn 126 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ “Tổ chức, xây dựng huấn luyện lực lượng đặc công nước bổ sung cho các chiến trường miền Nam và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt-Đông Hà”.
Đoàn 126 biên chế 12 đội chiến đấu. Rạng sáng ngày 31/3/1967, tổ chiến đấu của Đội 1, Đặc công Hải quân thực hiện trận đánh đầu tiên đã đánh chìm chiếc tàu cuốc 70 tấn của quân Nam Triều Tiên, là chiếc tàu đầu tiên của đế quốc Mỹ và tay sai bị bộ đội Đặc công Hải quân đánh chìm tại Cửa Việt. Từ tháng 4 đến tháng 9/1967, Đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân đã đánh 6 trận, đánh chìm 10 tàu, làm bị thương 2 chiếc tàu khác và phá hủy một số phương tiện chiến tranh, loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận sinh lực của địch.
Được bổ sung kinh nghiệm chiến đấu của Đội 1 nên công tác huấn luyện của đơn vị ở hậu phương ngày càng sát với chiến trường, trình độ, kỹ chiến thuật và bản lĩnh chiến đấu của bộ đội ngày càng được nâng lên. Năm 1968, Đoàn 126 Đặc công Hải quân đã đánh chìm 90 chiếc tàu thuyền của địch trên sông Cửa Việt, ngăn chặn và làm tê liệt hoạt động vận chuyển đường thủy của chúng ở tuyến Cửa Việt-Đông Hà. Từ cuối năm 1968-1972, Đoàn tiếp tục vừa xây dựng lực lượng vừa tổ chức đánh địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu Đặc công Hải quân như các anh hùng Tạ Văn Thiều (Mai Năng), Nguyễn Văn Tình, Hoàng Kim Nông, Đỗ Viết Cường, Lê Xuân Sênh, Lê Văn Ức, liệt sĩ Nguyễn Hùng Lễ…
Trong 7 năm (1966-1973) cùng với huấn luyện bổ sung 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt- Đông Hà, Đoàn 126 Đặc công Hải quân đã chiến đấu hơn 300 trận, đánh chìm và đánh hỏng 336 tàu thuyền các loại của Mỹ, ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Trong những năm 1974-1975, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đặc công Hải quân đã phối hợp tiến công quân địch trong các chiến dịch Trị Thiên- Huế, Đà Nẵng, là lực lượng chủ lực tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ khác, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.