Những ngôi chùa ở Trường Sa
Trong chuyến công tác đến Quần đảo Trường Sa (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), ấn tượng với những người trong đoàn công tác chúng tôi chính là hình ảnh ngôi chùa tại các đảo. Nơi đây, giữa trùng khơi sóng, chùa như điểm tựa vững chắc, “cột mốc tinh thần” cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không gian yên bình của chùa Trường Sa trên đảo Trường Sa.
Theo sử sách ghi lại, từ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cùng các tầng lớp nhân dân cả nước, đến nay trên Quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa trên 9 đảo được xây dựng, trùng tu, tôn tạo gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa.
Tất cả các ngôi chùa đều có phong cách kiến trúc cảnh quan thuần Việt với cổng tam quan, nhà chính điện, nhà tiền đường, gác chuông; họa tiết hoa văn trang trí mái, cột, bậc tam cấp đục trạm hình hoa sen, hoa cúc, hình rồng, mây cuốn thời Lý-Trần. Tên chùa, văn bia, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều được sơn son thếp vàng và sử dụng chữ tiếng Việt như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hóa Việt Nam. Các ngôi chùa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về “trái tim” của cả nước.
Nổi bật như chùa Trường Sa tọa lạc tại trung tâm đảo Trường Sa, nằm trong quần thể với Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Song Tử Tây, trên đảo Song Tử Tây được xem là ngôi chùa lớn nhất trên quần đảo, được tôn tạo, sửa chữa lại từ năm 2007, tọa lạc ngay trước ngọn Hải đăng cao vút. Còn tại đảo Sinh Tồn, chùa Sinh Tồn có thờ bài vị của 64 Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ngày 14-3-1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma. Sân chùa có Bia tưởng niệm những người con đất Việt kiên trung, bất khuất đã kết thành “vòng tròn bất tử”… Khác với trên đất liền, tên các chùa ở Trường Sa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Chùa không còn đơn thuần là nơi để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, mà đã trở thành hiện thân cho những giá trị tâm linh mà người Việt hằng gìn giữ ở giữa ngàn khơi.
Anh Nguyễn Minh Vinh, một người dân trên đảo Trường Sa chia sẻ: Đều đặn đến ngày rằm, mùng một, lễ vu lan, ngày Tết… các gia đình trên đảo đều lên chùa. Lễ vật đơn sơ chỉ là hoa quả, gói bánh, song luôn đượm lòng thành kính. Hoặc khi các ngư dân mỗi khi ghé đảo tránh trú giông bão, trao đổi hàng hóa hay chữa bệnh cũng đều lên chùa thắp hương.
Thắp nén tâm hương ở ban thờ Tam bảo và nhẹ bước, chậm rãi thỉnh chuông, đại đức Thích Quý Nghĩa, trụ trì Chùa Trường Sa Đông chia sẻ: Truyền thống lâu đời của đất nước ta, ở đâu có người Việt an cư lập nghiệp, ở đó có văn hóa tâm linh. Đã thành lệ, các chùa đều thỉnh chuông ngày hai lần vào 5 giờ sáng và 18 giờ chiều hằng ngày. Ở nơi đảo xa, được nghe tiếng chuông chùa giúp mỗi quân dân nơi đây cảm nhận sự gần gũi, quen thuộc như trong đất liền, hướng về nguồn cội, từ đó như tiếp thêm nghị lực, an tâm công tác, lao động, bảo vệ biển đảo quê hương.