Những yếu tố cơ bản giúp Bắc Ninh vững vàng trước đại dịch
(BNP) - Sau hai tháng căng mình chiến đấu với giặc “Covid-19”, với những hành động quyết liệt, táo bạo cùng các quyết sách linh hoạt, sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, tỉnh Bắc Ninh đã vững vàng trước “đợt sóng” dịch Covid-19 lần thứ 4, duy trì thành công mục tiêu kép, không để dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Hai “đợt sóng” lây nhiễm liên tiếp trong cùng một thời điểm
Trong đợt bùng phát lần thứ 4, dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh hết sức đặc biệt với 2 “đợt sóng” lây nhiễm liên tiếp xảy ra. “Đợt sóng” thứ nhất là ngày 5/5, khi tỉnh phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thị xã Từ Sơn và huyện Lương Tài liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2. Sau đó là một loạt ca mắc mới tại Tiên Du và Thuận Thành, trong đó, ổ dịch xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) đặc biệt phức tạp do dịch lây lan nhanh trong cộng đồng.
Cùng lúc trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện các ổ dịch mới có yếu tố nguồn lây từ Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Các ca mắc do chủng virus nguồn gốc từ Ấn Độ được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, không có biểu hiện triệu chứng, thời gian ủ bệnh ngắn, lây truyền qua không khí.
Ngay lập tức, tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp, ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chống dịch lây lan ra cộng đồng và các tỉnh bạn. Các khu dân cư liên quan đến ca nhiễm đầu tiên được cách ly y tế, đồng thời, thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm cho toàn dân trong các thôn, khu phố, người liên quan.
Song song với đó, tỉnh phải tập trung kiểm tra rà soát phương án phòng, chống dịch tại các KCN, khi mà tỉnh Bắc Giang lại xảy ra ổ dịch ở trong KCN Quang Châu, trong đó có tới hơn 30.000 công nhân, người lao động giao thoa giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Ca mắc Covid-19 đầu tiên trong KCN của tỉnh được xác định tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Health, KCN Thuận Thành II vào ngày 9/5/2021. Sau đó phát hiện ca mắc Covid-19 ở Cụm công nghiệp phường Khắc Niệm và KCN Quế Võ. Ngay lập tức, tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm truy vết tại doanh nghiệp trong các KCN một cách quyết liệt, triệt để đối với từng trường hợp nghi nhiễm, ở từng doanh nghiệp. Các lực lượng nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly cho những công nhân liên quan, đồng thời phun khử khuẩn theo quy định…
Thần tốc truy vết, dồn lực xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch
Ngày đầu tiên có ca nhiễm, tỉnh đã quyết định phong toả đối với nhiều khu dân cư, sau đó là toàn huyện Thuận Thành. Khi dịch lan rộng tỉnh đã cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ và Yên Phong; huyện Lương Tài, Tiên Du và thị xã Từ Sơn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, triển khai xét nghiệm diện rộng tại các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh. Việc xét nghiệm được thực hiện theo nguyên tắc, những nơi trên 14 ngày không có ca mắc mới thì lấy mẫu một lần, dưới 7 ngày có ca mắc mới thì lấy ít nhất 3 lần. Việc xét nghiệm vừa đảm bảo không để lọt ca nhiễm mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sản xuất. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ sàng lọc, đánh giá nguy cơ tại các địa phương để dần nới lỏng giãn cách, kịp thời chuyển trạng thái giãn cách phù hợp.
Toàn tỉnh cũng thành lập 6.700 Tổ Covid cộng đồng, 7.000 tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp, 40 Tổ công tác liên ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch; gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ đầu ngành tuyến Trung ương và sinh viên các trường Y ở nhiều tỉnh, thành đã tình nguyện đến “chia lửa” cùng Bắc Ninh chống dịch... Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ và áp dụng phù hợp các giải pháp, định hướng của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, góp phần giúp địa phương khoanh vùng, truy vết và cơ bản khống chế được dịch bệnh.
Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp thiết lập QR code ở nhiều nơi trong nhà máy, cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại, thực hiện khai báo y tế và cung cấp thông tin của tất cả công nhân cho các cơ quan chức năng.
Những giải pháp chưa từng có tiền lệ
Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi Covid-19 đã tấn công cả hai “mặt trận” quan trọng, đó là trong cộng đồng và KCN. Với 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó, có 10 KCN lớn của miền Bắc với tổng số 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước. Nếu Bắc Ninh chọn phương án đơn giản, thuận lợi cho chính quyền, đó là cứ đóng băng tất cả nền kinh tế lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch, sau đó rồi mới làm các giải pháp khác, về mặt chống dịch sẽ dễ và đỡ vất vả cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, nếu làm điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng cho kinh tế không chỉ của Bắc Ninh, mà cả nước, thậm chí ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ước tính một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ giảm 3.600 tỷ đồng chưa kể các dịch vụ thương mại khác. Mặt khác, nếu đóng cửa tất cả, thì gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông, khi đó tăng mức độ rủi ro về phòng, chống dịch.
Tình thế trên đặt ra yêu cầu tỉnh phải có quyết sách để vừa duy trì sản xuất mà vẫn chống dịch hiệu quả. Tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp sáng tạo, có tính đột phá và “chưa từng có tiền lệ” để phòng, chống dịch trong các KCN, nhất là ngăn chặn dịch lây nhiễm từ cộng đồng vào các KCN và ngược lại.
Trong đó, thực hiện công tác sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm truy vết tại doanh nghiệp trong các KCN một cách quyết liệt, triệt để đối với từng trường hợp nghi nhiễm. Đồng thời, rà soát, đánh giá mức độ nguy cơ đối với từng doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tiến hành sản xuất và yêu cầu bố trí giảm tối thiểu 50% người lao động trực tiếp sản xuất để bảo đảm giãn cách, phòng nguy cơ lây nhiễm.
Một trong những giải pháp, quyết sách nổi bật đó là việc bố trí cho công nhân sinh hoạt, lưu trú tập trung tại nhà máy. Trước khi triển khai, lãnh đạo UBND tỉnh đã gặp mặt một số doanh nghiệp lớn để lắng nghe ý kiến và xem tính khả thi của phương án này đến đâu. Cũng có doanh nghiệp ủng hộ ngay, nhưng cũng có ý kiến của doanh nghiệp nói khó thực hiện do không đảm bảo cơ sở vật chất. Nhưng trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như vậy, tỉnh xác định đó là phương án duy nhất, không còn phương án nào khác cả, không còn đường lùi, doanh nghiệp phải chọn một là đóng cửa, hai là vẫn sản xuất và đi làm. Bởi nếu cứ để đi làm như bình thường thì có thể nói nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn vô cùng lớn, thậm chí còn lớn hơn Bắc Giang rất nhiều.
Đối với những doanh nghiệp không có đủ diện tích cho công nhân sinh hoạt tại nhà máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là thành phố Bắc Ninh trưng dụng tất cả các trường học trên địa bàn để làm chỗ ở tạm cho công nhân nhằm giãn cách cho các khu nhà trọ.
Các doanh nghiệp đã khẩn trương bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chỗ ăn ở cho công nhân lao động và bắt đầu triển khai thực hiện phương án này từ ngày 2/6. Cũng chính vì áp dụng biện pháp đó, mà chuỗi sản xuất vẫn được duy trì và không bị đứt gãy.
Tỉnh cũng tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân và người lao động, đến nay, đã tiêm được hơn 140.000 liều. Đây được coi là một trong những quyết sách mang tính căn cơ, dài hơi nhằm bảo vệ thành quả chống dịch, bảo vệ lực lượng sản xuất chính.
Lan tỏa lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh
Hưởng ứng Lời kêu gọi chung tay ủng hộ phòng, chống đại dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh, trong đợt dịch, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ để tỉnh Bắc Ninh có thêm nguồn lực trong cuộc chiến với “giặc Covid-19”. Với vai trò là cầu nối tiếp nhận mọi sự ủng hộ, quyên góp của các tập thể, cá nhân, sau 2 tháng phát động, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của hơn 6.000 tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan và nhân dân trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 77 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật ước trị giá trên 43 tỷ đồng và trên 137 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19.
Các tổ chức, đoàn thể các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, mang hơi ấm tình người, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đó là hình ảnh của các hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh… trao tặng quà cho các điểm chốt, bệnh viện dã chiến và nấu hàng nghìn suất cơm mỗi ngày trao tận tay cán bộ, chiến sĩ ngày đêm vất vả chống dịch.
Các nhóm hoạt động thiện nguyện có mặt ở mọi nơi trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức, từ học sinh, sinh viên đến người già, trẻ nhỏ, không ai bảo ai, tất cả đều chung một tấm lòng, góp một phần công sức nhỏ bé bằng những việc làm thiết thực. Họ chính là những người đã huy động, đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, rau, củ, quả, nước uống và nấu những “suất cơm nghĩa tình”, chuyển tới những người dân đang ở trong khu phong tỏa, khu cách ly và những người lao động nghèo… Tất cả họ đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần.
Cơ quan báo chí, truyền thông đồng hành phòng, chống dịch Covid-19
Trong suốt thời gian “chiến đấu với giặc” Covid-19, những thông tin chỉ đạo điều hành quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, những tấm gương người tốt, việc tốt, những hình ảnh lay động trái tim về sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch được các cơ quan báo chí, truyền thông truyền tải kịp thời, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, qua đó, tạo sự lan tỏa, kết nối, sự đồng cảm, sẻ chia của mỗi người dân trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, với vai trò là cơ quan chủ trì, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh đã phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời thông tin đến người dân về các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; văn bản chỉ đạo và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố; các hoạt động của lãnh đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 và thông tin, số liệu về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh… Lập hệ thống báo cáo trực tuyến việc cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch của các đơn vị trên Cổng TTĐT. Cập nhật các văn bản chỉ đạo, sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch, các số điện thoại đường dây nóng của các ngành: Y tế, Công an...
Đặc biệt, lập nhóm Zalo cung cấp thông tin trên các Cổng TTĐT của các sở ban ngành, huyện, thị xã, thành phố và cung cấp thông tin cho gần 50 cơ quan báo chí Trung ương. Các thông tin, văn bản, hình ảnh được Cổng TTĐT tỉnh cập nhật thường xuyên, liên tục với tốc độ nhanh nhất, khẩn trương nhất, đặc biệt có những văn bản được cung cấp trong đêm ngay sau khi lãnh đạo tỉnh ký ban hành. Từ những dữ liệu đó, các cơ quan báo chí Trung ương đã đăng tải dày đặc các bài viết về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Ninh cũng như chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ nhất của tỉnh trong việc “diệt giặc” Covid-19.
Các cơ quan báo chí đã góp phần lan tỏa những cách làm hay, giải pháp sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất để phát triển kinh tế”, được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Điển hình như: tỉnh sẽ hỗ trợ một phần cùng doanh nghiệp tiêm vắc xin cho công nhân và người lao động; doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để vừa duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn vừa phòng, chống dịch; thực hiện giảm 50% số lượng người làm việc trực tiếp tại cơ quan…
Để tiếp thêm nguồn lực, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan báo chí cũng chuyển tải mạnh mẽ tinh thần “Đoàn kết, tương thân, tương ái”, nhiều nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Thành công từ sự kiên định
Sau hai tháng căng mình chống dịch Covid-19, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản khống chế được dịch, 7 huyện, thị xã đã được chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tỉnh đang tập trung các lực lượng xử lý các ổ dịch trên địa bàn thành phố Bắc Ninh để cố gắng kiểm soát dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất.
Bắt đầu từ ngày 28/6, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc bình thường; đồng thời, nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà cho đến khi hết thời gian cách ly xã hội theo quy định.
Với việc khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép” không để đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 06 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,45% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; dự nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%... Bắc Ninh tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,07%.
Điều quan trọng nhất để chống dịch của tỉnh là bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, của các tỉnh, thành phố và nhiều tập thể, cá nhân trong nước, thì cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, đoàn kết, cùng tìm ra các giải pháp và đồng lòng triển khai thực hiện tốt nhất tất các giải pháp ấy, với một quyết tâm cao nhất là dập dịch trong thời gian sớm nhất, để cuộc sống trở lại bình thường.