Nông dân xã Giang Sơn vào mùa chuối Tết
(BNP) - Chuối là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết ở mọi gia đình. Những năm qua, người nông dân xã Giang Sơn (huyện Gia Bình) tích cực trồng chuối vào đầu năm để cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, bởi dịp này nhu cầu mua chuối của người tiêu dùng tăng, giá bán cũng cao hơn so với ngày thường.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh bọc túi ni-lông cho buồng chuối để đảm bảo chất lượng, mẫu mã.
Ở xã Giang Sơn (huyện Gia Bình), nông dân chọn giống chuối tiêu hồng và chuối tây thái để trồng, chăm sóc và thường cho thu hoạch vào dịp Tết. Đây là giống chuối dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng đất bãi bồi ven sông, quả có hình thức đẹp, to, dài, đồng đều, có vị thơm ngon, ngọt vào mùa đông. Đặc biệt, chuối tiêu hồng trồng cho nải dài, quả cong, dễ xếp mâm ngũ quả nên được các thương lái đến tận các vườn chuối tìm mua để cung cấp cho thị trường các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, thành phố Hà Nội… vào dịp Tết.
Theo chân ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn đi thăm quan bãi trồng chuối ở khu đất bãi rộng lớn ven sông Đuống là cả một vùng rộng lớn xanh ngát ngút tầm mắt của các tàu lá chuối. Ông Tuấn cho biết: Vùng đất bãi ven sông trước đây chủ yếu gieo trồng lúa, ngô, do canh tác không chủ động tưới tiêu, thâm canh theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp. Từ năm 2015, xã thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi từ lúa, ngô sang trồng một số loại cây khác như: chuối, cà rốt, bưởi… cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Hiện, toàn xã trồng khoảng 90ha chuối, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Tiêu Xá và thôn Hữu Ái, hộ trồng ít cũng vài sào, nhiều thì tới vài ha; còn lại ít diện tích dành cho cà rốt và bưởi, lá dong...
Cứ mỗi sào đất, người dân có thể trồng được 60 - 65 gốc chuối, trải qua quá trình chăm sóc tốt đến dịp cuối năm, cũng thu được khoảng gần 50 buồng với giá bán dao động dịp Tết như hiện nay từ 300 - 400.000 đồng/buồng, mỗi sào cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, gấp khoảng 2 - 3 lần (tùy thời điểm) so với trồng lúa.
Bãi trồng chuối xã Giang Sơn xanh mướt ngút tầm nhìn.
Là một trong những hộ tiên phong trong xã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa sang trồng chuối của thôn Tiêu Xá, hiện nay gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh mở rộng diện tích trồng chuối lên hơn 3 ha. Trao đổi với phóng viên, anh Mạnh cho biết: Gia đình bắt đầu trồng chuối từ năm 2014, nhận thấy chuối tiêu hồng và tây thái dễ trồng, lại sống khỏe, ít sâu bệnh hại, phù hợp với địa hình bãi bồi ven sông Đuống, nên gia đình tôi đã bỏ nhiều công thu gom đổi ruộng, sau đó xin chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng chuối. Do được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn chuối của gia đình anh đẹp về mẫu mã, chất lượng thơm ngon, được nhiều thương lái đến tìm mua.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, để chuối cho năng suất quả cao, mẫu mã đẹp cần chú ý giữ độ ẩm, tưới nước thường xuyên, vì chuối cần rất nhiều nước; bón phân đúng thời điểm; phun thuốc chống sương, cắt lá già và tỉa bớt cây con để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây mẹ. Sau 11 - 12 tháng trồng, chăm sóc tốt, chuối sẽ cho thu hoạch, do vậy thời điểm cho hiệu quả kinh tế cao chính là thu hoạch vào đúng dịp Tết. Ngoài thu nhập từ buồng chuối, thì người dân ở đây tách cây con bán giống, thân và lá đều được nhiều người tìm mua với mục đích khác nhau. Chính vì vậy, trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương./.