Nuôi vịt biển lai - hướng đi mới ở Quế Võ

31/05/2019 14:34

(BNP) - Với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ đã triển khai mô hình nuôi vịt biển lai bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Đàn vịt biển lai của gia đình anh Nguyễn Văn Long.

Sau gần 2 tháng triển khai nuôi, đến nay đàn vịt biển lai 800 con của gia đình anh Nguyễn Văn Long ở thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi con nặng trung bình khoảng 2kg và cho xuất bán trong 1 - 2 tuần tới. Anh Long cho biết: “Giống và kỹ thuật nuôi do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cung cấp, hướng dẫn, với giá 15.000đ/con mới nở, được huyện hỗ trợ 50% giá giống, 30% thức ăn cùng vắc xin tiêm phòng và hóa chất phòng chống dịch bệnh. Giống vịt biển lai này khá thích nghi với môi trường, dễ nuôi, đến nay không bị bệnh dịch, thức ăn như các giống vịt thông thường nhưng lượng thức ăn chỉ bằng một nửa nhờ vậy đã giảm đáng kể chi phí chăn nuôi...”.

Cùng với gia đình anh Long, hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tưởng ở thôn Đô Đàn, xã Chi Lăng với quy mô 1.000 con và hộ ông Nguyễn Đăng Khánh ở thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo nuôi 700 con vịt biển lai. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng vắc xin, xây dựng chuồng trại và hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quy định. Đến nay, đàn vịt biển lai của hộ ông Tưởng và ông Khánh có trọng lượng từ 1,9 - 2,2 kg/1con, được các thương lái bao mua cả đàn mức giá từ 40.000 - 45.000đ/kg, cho triển vọng kinh tế cao hơn so với nuôi các giống vịt thông thường.


Giống vịt biển hoặc vịt biển lai do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) tạo ra, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống vật nuôi mới; thuộc loại dễ nuôi, sức sống dồi dào, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu bệnh tốt, sống được cả ở vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Vịt có thể nuôi theo nhiều phương thức khác nhau: nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, chăn thả; nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. Chất lượng thịt thơm, rắn hơn so với các giống vịt thông thường nên được thị trường đón nhận, gần đây được nuôi ở một số tỉnh, thành như: Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội... , trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thì đây là mô hình đầu tiên được triển khai.
 
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề về kỹ thuật nuôi vịt biển lai và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về vốn vay ưu đãi, con giống, thức ăn, tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao... từ đó, giúp các hộ dân mạnh dạn đăng ký xây dựng các mô hình nuôi vịt biển lai kết hợp với nuôi các giống thủy cầm truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đăng Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đầu năm 2019, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất với UBND huyện cho triển khai thí điểm mô hình nuôi vịt biển lai với quy mô 2.500 con tại 03 hộ nông dân. Qua thực tế, giống vịt biển lai cho thấy khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu khu vực trong tỉnh, dễ nuôi, có thể nuôi ở nhiều địa hình khác nhau, ít bị bệnh dịch, chi phí chăn nuôi thấp hơn so với các giống vịt thông thường. Thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều đầu mối sẵn sàng bao mua cả đàn nếu đáp ứng đủ nguồn cung cấp. Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi vịt biển và vịt biển lai trên địa bàn huyện trong thời gian tới…

Mô hình nuôi vịt biển lai ở Quế Võ là hướng đi mới, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thời gian tới, ngành Nông nghiệp, chính quyền các cấp cần tiếp tục 
quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn, mặt bằng, cung cấp nguồn giống vịt đảm bảo chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết... giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân mở rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
H.T