Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
(BNP) - Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Một góc thành phố Bắc Ninh.
Theo đó, đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8 - 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng chiếm đa số với khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng… Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, đến năm 2025, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.
Về quy hoạch đô thị, toàn tỉnh có 12 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (đô thị Bắc Ninh), 01 đô thị loại II (đô thị Từ Sơn), 04 đô thị loại III (đô thị Yên Phong, đô thị Quế Võ, đô thị Tiên Du và đô thị Thuận Thành), 06 đô thị loại V (đô thị Gia Bình, đô thị Thứa, đô thị Nhân Thắng, đô thị Cao Đức, đô thị Trung Kênh và đô thị Lâm Thao).
Huyện Tiên Du và huyện Yên Phong quy hoạch trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh. Phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ có 04 thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 02 thị xã là Quế Võ và Thuận Thành; 02 huyện là Lương Tài và Gia Bình.
Trong đó, thành phố Bắc Ninh sẽ là trung tâm tổng hợp về hành chính - chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao cấp tỉnh; là đô thị phát triển toàn diện và bền vững về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính.
Thành phố Từ Sơn là trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp đô thị, du lịch, vui chơi giải trí.
Thành phố Yên Phong là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng.
Thành phố Tiên Du trở thành trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Thị xã Quế Võ là trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.
Thị xã Thuận Thành là trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng đồng đều về cả công nghiệp và dịch vụ hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài ra, toàn tỉnh phân thành 02 vùng liên huyện gồm: Bắc Đuống và Nam Đuống. Trong đó, vùng Bắc Đuống là vùng động lực phát triển, đô thị tổng hợp, trọng điểm trong hoạt động sản xuất công nghiệp, công nghệ cao và chế biến chế tạo của tỉnh, phát triển ngành thương mại - dịch vụ, du lịch giải trí.
Vùng Nam Đuống là vùng đô thị - công nghiệp - nông nghiệp, cửa ngõ và đô thị ven sông Đuống, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao hướng tới các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng xã hội phát triển.