Phát huy vai trò nòng cốt của hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể

25/10/2021 13:54

(BNP) – Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ thành viên.

HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Trại Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình tích cực triển khai các mô hình sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa.

Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX được ban hành, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng chương trình hành động và tổ chức hội nghị quán triệt tới các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết, Luật, Nghị định nhằm thực thi trong cuộc sống. Các văn bản chỉ đạo, chính sách của tỉnh cơ bản bám sát chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương mình và xu hướng phát triển HTX, từng bước tạo môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho các HTX.

Nhận thức các quan điểm phát triển KTTT, HTX của các cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực; từng bước hiểu rõ bản chất HTX là phục vụ và mang lại lợi ích cho thành viên với tư cách vừa là người chủ vừa là khách hàng của HTX, thấy được sự cần thiết của việc phát triển mô hình KTTT, HTX với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tâm lý người dân dần được xóa bỏ những mặc cảm do mô hình HTX kiểu cũ để lại, nhận thức của nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao.

HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, thôn Thụy Mão, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành là một trong hai HTX được Liên minh HTX Việt Nam công nhận mô hình HTX sản xuất liên kết theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm

Tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tín dụng, đất đai, tiếp thị và mở rộng thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho cho KTTT, HTX phát triển. Dự kiến đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 690 HTX hoạt động trên các lĩnh vực với 91.370 thành viên. Tuy số lượng thành viên HTX bị giảm đi về số lượng, nhưng chất lượng được nâng cao. Doanh thu bình quân của HTX đạt 870 triệu đồng/năm; lãi bình quân của 1 HTX ước đạt 380 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX ước đạt 60 triệu đồng/thành viên. Ngoài ra, có 01 Liên hiệp HTX, với 18 HTX và 56 lao động.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 218 Tổ hợp tác (THT), thu hút 32.554 thành viên với số lao động thường xuyên gần 3.180 lao động. Doanh thu bình quân của 1 THT là 220 triệu đồng/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2001; lãi bình quân của 1 THT là 80 triệu đồng/năm, tăng  6 lần so với năm 2001. Các THT đã góp phần khuyến khích tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, giúp tăng thu nhập cho hộ thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo; là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tiếp tục xác định vai trò nòng cốt của HTX trong phát triển KTTT, trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật HTX nhằm nâng cao nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về bản chất, vị trí, vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội; đưa phát triển KTTT là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX, để tạo bước đột phá trong phát triển KTTT; kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về KTTT, Liên minh HTX các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến KTTT.

HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, xã Lãng Ngân, huyện Gia Bình.

Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên trong HTX; tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực, tập trung ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức KTTT, HTX. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng, tổng kết các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định KTTT, HTX là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội… Phấn đấu giai đoạn 2021-2030, duy trì hoạt động của 218 THT; phát triển thêm khoảng 250 HTX và 02 Liên hiệp HTX; 70% số HTX hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả, không có HTX yếu kém; khu vực KTTT đóng góp 0,5% GRDP tỉnh...

Đến nay, toàn tỉnh có 39 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 19 doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, THT và nông dân trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 02 HTX được công nhận sản xuất liên kết theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 35 lượt HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh, tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước.

Tính đến ngày 31/8/2021, toàn tỉnh có 13/38 chi nhánh ngân hàng thực hiện cho vay kinh tế HTX, với tổng doanh số đã giải ngân từ ngày 31/7/2013 đạt 4.212,6 tỷ đồng. Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (năm 2012) đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về nguồn vốn đối với các HTX với việc giải quyết cho hơn 800 lượt HTX vay vốn với tổng số vốn vay luân chuyển hơn 290 tỷ đồng.

S.T