Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số

19/07/2024 14:46

(BNP) - Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số (CĐS) với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành dự.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2020 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hoàn thiện thể chế nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số ở nước ta. Nếu như năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 06 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số thì đến năm 2021 đứng thứ 03 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 01.

Việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, đến nay đạt trên 55%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 43%; 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 06/2024 là 18,5%...

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn.

Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. CĐS phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử...

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện CĐS; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để thực hiện thành công CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời, nhấn mạnh CĐS là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện CĐS là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược trong quá trình phát triển.

Lãnh đạo các Sở, ngành dự Hội nghị.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy CĐS với quyết tâm cao nhất để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực cho CĐS, cho phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, Chính phủ số; phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho CĐS theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành.

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao trên tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 đảm bảo” gắn với “5 không”: Không nói không, không nói khó, không nói khó mà không làm, không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử để phòng, chống tham nhũng, sách nhiễu; không giấy tờ, hướng tới số hóa và không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Lãnh đạo các Sở, ngành dự Hội nghị.

Ngay sau Hội nghị, bên cạnh việc quán triệt, triển khai nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.

Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh rà soát lại tiến độ thực hiện công việc của các Sở, ngành, địa phương, đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch CĐS năm 2024 và chủ động xây dựng Kế hoạch CĐS tỉnh năm 2025; nghiên cứu thực hiện đánh giá xếp loại CĐS các Sở, ngành theo tháng, quý. Các Sở, ngành bám sát Kế hoạch CĐS của các Bộ, ngành Trung ương để chủ động đăng ký, xây dựng Kế hoạch CĐS của ngành năm 2025 và giai đoạn 2026 -2030.

Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh đôn đốc, yêu cầu các Sở, ngành đảm bảo thời gian, tiến độ các nhiệm vụ theo Kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

S.T