Phê duyệt 116 danh mục tài liệu Triển lãm “Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới”
(BNP) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang vừa ký ban hành Quyết định số 941/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục tài liệu Triển lãm “Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới”.
Triển lãm “Bắc Ninh – 190 năm thành lập và phát triển” ,“Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập.
Theo Quyết định, UBND tỉnh phê duyệt 116 danh mục tài liệu Triển lãm “Lịch sử Bắc Ninh qua di sản tư liệu thế giới” nhân kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, Triển lãm trưng bày phiên bản, tư liệu, bản scan tài liệu mộc bản về lịch sử hình thành tỉnh Bắc Ninh, được bố cục thành 3 phần chính: Phần 1: Ngược dòng thời gian về miền Kinh Bắc gồm 35 tài liệu có nội dung giới thiệu về lịch sử hình thành, địa giới hành chính của vùng Kinh Bắc xưa; Phần 2: Những dấu tích xưa cũ gồm 26 tài liệu giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Bắc Ninh; Phần 3: Bắc Ninh - Quê hương của những nhà văn hóa lớn gồm 52 tài liệu về những danh nhân tiêu biểu qua các triều đại.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ theo danh mục đã được phê duyệt đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Theo Kế hoạch, dự kiến Triển lãm sẽ được tổ chức tại thành phố Bắc Ninh từ ngày 10 – 14/10; tại thành phố Từ Sơn từ ngày 17 – 21/10; tại huyện Thuận Thành từ ngày 24 – 28/10/2022. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn về giá trị lịch sử, khẳng định vị trí, vai trò, tôn vinh những đóng góp to lớn của con người và vùng đất Bắc Ninh trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước; đồng thời tuyên truyền giáo dục, khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với truyền thống lịch sử, văn hiến cách mạng của quê hương.
Thông qua Triển lãm nhằm tái hiện về tỉnh Bắc Ninh xưa để nhân dân và du khách hiểu rõ thêm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc, niềm tự hào là “cái nôi của nền văn hiến lâu đời” của vùng Kinh Bắc.