Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân: Bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa
(BNP) - Sáng 30/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa Công nghiệp công nghệ số, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân đồng tình về sự cần thiết ban hành dự án Luật Công nghiệp công nghệ số như Tờ trình của Chính phủ.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân.
Đây là dự án luật khó, đặc thù và rất mới, mới không chỉ ở Việt Nam mà còn mới với nhiều nước trên thế giới. Ngay ở các nước có nền công nghiệp công nghệ thông tin phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và EU thì các quy định về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, sandbox, tài sản số, tài sản mã hóa... cũng đang ở giai đoạn nghiên cứu, vừa mới được ban hành hoặc đã ban hành nhưng có hiệu lực theo từng lộ trình phát triển (điển hình như Luật về AI của EU, đạo luật Chíp của Mỹ). Đại biểu cũng đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiên phong thiết kế những quy định mới và khó tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp công nghệ số. Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu xin tham gia 4 ý kiến như sau:
Thứ nhất, về chính sách phát triển Công nghiệp Công nghệ số
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. DNNVV Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin. Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi: hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính: thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định, việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.
Bên cạnh các chính sách phát triển dành cho DNNVV, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các DN công nghệ số trong nước, bảo đảm cạnh tranh với các DN nước ngoài, Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in VN”.
Thứ hai, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Chương IV)
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã được đề cập và quy định tại Nghị quyết 98 và Nghị quyết 136 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng cũng như trong Luật Thủ đô. Vấn đề này cũng đang được dự kiến sẽ quy định tại dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính thống nhất và khả thi của các quy định tại dự thảo Luật:
1) Về thời hạn thử nghiệm, Luật Thủ đô và Nghị quyết số 136 đều quy định thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 03 năm và có thể được gia hạn 01 lần không quá 03 năm, trong khi đó dự thảo Luật chỉ quy định thời gian thử nghiệm tối đa là 02 năm.
2) Về áp dụng các quy phạm mang tính đặc thù cho hoạt động thử nghiệm có kiểm soát. Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến cho rằng chỉ nên thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp số ở các địa phương có cơ chế đặc thù như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát đối với địa phương có tỷ trọng kinh tế số/GRDP lớn được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Ví dụ như Bắc Ninh, hiện nay tỷ trọng kinh tế số chiếm 56,83%/GRDP – lớn nhất cả nước.
Thứ ba, về công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn và con chíp điện tử được xem như mạch máu của nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tháng 10 năm 2023, tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ đô, nâng tổng số vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam lên đến 6,16 tỷ đô vào cuối năm 2024. Điều này vừa giúp nước ta phục hồi nền kinh tế sau đại dịch vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ khâu đóng gói, kiểm thử đến thiết kế, chế tạo chíp bán dẫn.
Để hoàn thành mục tiêu 3 giai đoạn của chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu có chính sách làm đòn bẩy đảm bảo đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh, với cơ sở hạ tầng công nghệ và dịch vụ phụ trợ đồng bộ, đảm bảo ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các Quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển đã chi các khoản đầu tư khổng lồ để hỗ trợ ngành công nghiệp này như Mỹ 53 tỷ đô, Trung Quốc 47,5 tỷ, Hàn Quốc 19 tỷ, Tây Ban Nha 13 tỷ, Nhật Bản 10 tỷ…
Thứ tư, về trí tuệ nhân tạo AI
Đây là xu thế phát triển trong thời gian tới, sự bùng nổ nhận thức về AI, đòi hỏi có giải pháp hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của AI đối với đời sống kinh tế và đạo đức xã hội.
Đại biểu được biết hiện Bộ KHCN và Bộ TTTT đang tổng hợp xây dựng 17 tiêu chuẩn giải quyết các vấn đề về AI, việc xây dựng tiêu chuẩn cho công nghệ này là cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa, hướng tới, loại bỏ rủi ro, nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, tăng cường nhân lực, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị gộp các tiêu chuẩn quốc gia theo nhóm tiêu chuẩn thay vì 17 tiêu chuẩn để quy định các tiêu chuẩn theo chuỗi, lĩnh vực và nhóm vấn đề giúp các đối tượng chịu sự tác động dễ thực hiện, tiết giảm chi phí và thời gian xây dựng tiêu chuẩn. Nhân đây, đại biểu xin đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về khu công nghệ số tập trung để các địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch (trong đó có Bắc Ninh) sớm triển khai thực hiện.