Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân: Luật Dữ liệu cần xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài

24/10/2024 17:41

(BNP) - Chiều 24/10, thảo luận tại tổ 13 cùng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.

Các đại biểu thảo luận tại tổ 13.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với việc điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Việc mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT để hướng đến mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) và giảm chi tiền túi của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Vân, việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT phải dựa trên nguyên tắc cân đối thu - chi quỹ BHYT, ổn định và phát triển bền vững quỹ BHYT. Đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, khả năng đóng của người tham gia BHYT, ngân sách nhà nước, người sử dụng lao động, tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ KCB, chính sách “thông tuyến”... đến khả năng chi trả, cân đối quỹ BHYT.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân.

Về Luật Dữ liệu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân cho rằng, dự thảo Luật đưa ra phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, thắt chặt quản lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay.

Tham gia ý kiến cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, tại Điều 25 quy định về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đây là nội dung mới, thúc đẩy việc trao đổi dữ liệu, nắm bắt thông tin của thị trường quốc tế và giúp quốc tế thuận lợi trong việc tìm hiểu về nền văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, quy định chuyển dữ liệu ra ngước người giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu xuyên biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đại biểu đề nghị dự thảo luật xác định rõ các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu khi đã chuyển giao; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc quyết định việc chuyển giao dữ liệu, tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong quản lý.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cá nhân về bảo đảm chất lượng dữ liệu vào khoản 2, Điều 11, nhằm đảm bảo bao quát đầy đủ các nội dung và trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến việc bảo đảm chất lượng dữ liệu.

Về sàn giao dịch dữ liệu (Điều 53), đây là một bước tiến mới tạo đòn bẩy cho nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đặc thù, khó tránh khỏi các nguy cơ về an ninh mạng, tấn công mã hóa dữ liệu, đánh cắp, chỉnh sửa dữ liệu và lộ lọt dữ liệu. Do đó, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu, để có những đánh giá cụ thể trước khi luật hoá.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Thị Vân, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, dữ liệu có thể coi là một loại tài nguyên rất quan trọng, là một trong những nguồn lực đang tạo dư địa, để đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dữ liệu cần phải được quản lý, đảm bảo sử dụng có hiệu quả, sử dụng công khai minh bạch, tập trung nhưng phải đảm bảo sự bảo mật, có sự phân loại để chia sẻ dữ liệu theo đối tượng, cơ quan, tổ chức sử dụng. Về tên gọi của dự thảo Luật có thể xem xét cân nhắc là Luật dữ liệu số, nếu chỉ quy định là dữ liệu thì quá là rộng.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, qua hồ sơ của dự án luật, Luật Dữ liệu liên quan đến 69 Luật, rất là rộng. Trong báo cáo rà soát do cơ quan chủ trì soạn thảo, mới rà soát được 6 Luật, những Luật khác chưa thể hiện rõ. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát kĩ lưỡng đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống phát luật. Nếu không rà soát kỹ thì khó triển khai trong thực tế. Mặt khác, hiện các Bộ, ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu, nên khi xây dựng Dự án Luật dữ liệu, cần đánh giá để đảm bảo khi triển khai Luật này không có sự xáo trộn, đảm bảo tính liên thông, thông suốt, an toàn, đồng bộ trong việc chia sẻ các dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Phát biểu tại tổ 13, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu làm rõ hơn các nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT.

B.M