Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức để thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao

04/11/2024 16:25

(BNP) - Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác. Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu tham gia ý kiến và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng mới.

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ nhất trí với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp. Đây là những nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể, đồng bộ, toàn diện, được tính toán kỹ trên cơ sở nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế nhằm đạt được mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2025.

Trong 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đại biểu Trần Thị Vân quan tâm đến nhóm giải pháp thứ nhất, đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng mới. Để góp phần thực hiện hiệu quả giải pháp trên, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất 4 giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định rõ 1 trong 3 “đột phá chiến lược” đóng vai trò “chìa khóa” của sự phát triển để thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức, đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn dân số vàng, chúng ta cần tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như Thái Lan và Malaysia đã từng đối mặt. Hiện nay, tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân thấp, chỉ bằng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 69% năng suất lao động của doanh nghiệp FDI. Vì vậy, cần khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nâng cao trình độ lao động; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp “đặt hàng” các doanh nghiệp lớn, khuyến khích họ tham gia từ khâu xây dựng chương trình, mục tiêu đào đạo; doanh nghiệp trở thành địa chỉ thực hành, là nơi giải quyết việc làm cho người học; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng các ưu đãi như giảm thuế, ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chi phí đào tạo, bù lương cho nhân viên tham gia đào tạo, khấu trừ một phần chi phí doanh nghiệp trong năm tài chính cho đào tạo như kinh nghiệm của Đức và Tây Ban Nha nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của nguồn nhân lực trẻ, dồi dào.

Thứ hai, quan tâm, đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đây là mắt xích quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam được xếp hạng chỉ số chất lượng hạ tầng toàn cầu năm 2023 tăng 2 bậc, đứng thứ 52/185 quốc gia và dù chi phí logistics có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao, chiếm tới 16,8-17% GDP, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Cần tháo gỡ cho doanh nghiệp logistics nội địa, hiện chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần bằng việc hoàn thiện đồng bộ 3 chân kiềng: hạ tầng, nhân lực và cơ chế; ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh và công nghệ số hóa, miễn thuế cho doanh nghiệp logistics bên thứ 3, cũng như miễn thuế cho doanh nghiệp phát triển cảng và đường thủy… 

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý hành vi vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh tin cậy, công bằng và minh bạch. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới khoảng 31%, quy mô thị trường đạt 14,7 tỷ USD. Thực trạng gần đây cho thấy có một số sàn giao dịch thương mại điện tử ngang nhiên hoạt động khi chưa đăng ký sử dụng nền tảng số tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp Việt có thể thua ngay trên sân nhà; không chỉ gây thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trước nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ tư, đề nghị sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng: Nâng mức hỗ trợ thiệt hại phù hợp; Bổ sung đối tượng hỗ trợ phù hợp như nhà màng, nhà lưới; Cắt giảm tối đa trình tự thủ tục hành chính, đảm bảo người dân có thể khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất.

P.V