Phong tục cúng ông Công, ông Táo – Nét đẹp văn hóa của người Việt
(BNP) - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà lại sắp mâm cơm, mua cá chép, hương hoa về làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ.
Dịp cúng ông Công, ông Táo cuối năm, cá chép luôn “đắt” khách.
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc.
Xôi hình cá chép được bày trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.
Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ngoài ra còn có hương, hoa, oản, ngũ quả, cau, trầu; cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ với xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuy nhiên, thực tế tùy theo khả năng của từng gia đình, các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay.
Trầu cau không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết.
Năm nay, tục tiễn ông Công, ông Táo về trời (ngày 23 tháng Chạp) diễn ra vào thứ 7 nhưng thời điểm này nhiều người dân trên địa bàn thành phố Bắc Ninh đã chuẩn bị đồ lễ cho mâm cúng truyền thống.
Chị Nguyễn Thanh (phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: "Giá cá chép vàng, đỏ phóng sinh năm nay không biến động nhiều, dao động ở mức 40.000 - 70.000 đồng/3 con, một số loại cỡ lớn giá từ 150 - 200.000 đồng/con. Những con cá để dâng lên Táo quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy".
Cùng với cá chép, các quầy hàng hoa quả cũng tấp nập người mua sắm. Ai cũng nhanh tay chọn mình những quả đẹp nhất, tươi nhất cho lễ cúng. Chị Nguyễn Thị Thơm (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: "Năm nay, gia đình tiễn ông Công, ông Táo về trời sớm hơn nên tôi đã mua hoa quả, vàng mã, cau trầu, hoa tươi. Lát nữa, tôi chỉ ra mua thêm 3 con cá chép vàng là đủ lễ".
Theo các tiểu thương, sức mua của người dân đã bắt đầu tăng từ mấy ngày trước. Giá cả các loại hoa quả giữ mức ổn định, nhất là những loại quả để bày mâm ngũ quả như: Thanh long, cam, táo, bưởi, chuối, trầu cau...
Ngoài các loại hoa truyền thống như: hoa cúc, hoa hồng, lay ơn, ly... thì năm nay xuất hiện thêm nhiều loại mới như: Thanh liễu, tuyết mai, hoa mận …
Quầy hàng mã tại chợ Nhớn, thành phố Bắc Ninh đông đúc người dân mua sắm.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Tiểu thương bán vàng mã tại chợ Nhớn, thành phố Bắc Ninh cho biết: "Tôi đã nhập hàng về từ cách đây gần 1 tháng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Vàng mã không sợ hỏng, bảo quản được nên nhiều người có nhu cầu mua sớm, càng sát đến ngày cúng ông Công, ông Táo thì số lượng người mua tăng cao hơn. Các mặt hàng năm nay cũng có nhiều mẫu mã đẹp và phong phú”.
Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Ai cũng muốn chuẩn bị một lễ cúng trang trọng, chu đáo với mong muốn cho gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới.