Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam và Cảng hàng không quốc tế Long Thành
(BNP) – Hôm nay (ngày 13/11) là ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước). Nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đồng tình với Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, tuy nhiên để triển khai được dự án đòi hỏi phải có một lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn trọng và sự đồng thuận từ mọi cấp độ. Đại biểu phân tích và đề cập đến 3 nội dung thuộc dự án cần phải tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, đó là huy động nguồn vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn và tiến độ của dự án.
Theo đại biểu, để dự án có thể đảm bảo tiến độ và giữ mức đầu tư trong giới hạn, cần một kế hoạch chuẩn bị và giám sát cực kỳ chặt chẽ, với các phương án rõ ràng và dự phòng rủi ro hợp lý. Chính phủ cần làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới những hạn chế ở các dự án trước, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để tránh tình trạng tương tự. Chỉ khi đảm bảo được tính toán chi tiết và sự sẵn sàng cao, dự án mới có thể tiến hành một cách bền vững, tránh những rủi ro về kéo dài thời gian và đội vốn đã thành “điểm nóng” của nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Đóng góp ý kiến vào nội dung Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí về sự cần thiết và nội dung, phạm vị điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.
Theo đại biểu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, có đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Dự án không chỉ là một công trình giao thông vận tải mà còn khẳng định cho việc hình thành một trung tâm, thương hiệu mới hiện đại, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của Cảng hàng không. Việc cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo thẩm quyền, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, là quyết định mạnh dạn, táo bạo thể hiện sự linh hoạt của cơ quan nhà nước, không chỉ góp phần nâng cao năng lực ngành hàng không mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự án cần sử dụng nguồn kinh phí lớn, do vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng, có đánh giá dự phòng về kế hoạch tài chính để đề phòng các yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án, quan tâm để có giải pháp ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi, người dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao, chuyên nghiệp cho sân bay và cần thực hiện song song với quá trình triển khai dự án.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; Thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Cuối ngày làm việc, Quốc hội họp riêng, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.