Rộn ràng lễ hội đầu năm trên quê hương Quan họ
(BNP) - Từ xưa đến nay, Bắc Ninh nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Đặc biệt, dịp đầu năm mới, Bắc Ninh có đa dạng các lễ hội lớn quy mô vùng miền và quốc gia, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, không chỉ đậm đặc mà còn gìn giữ, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.
Bắc Ninh được mệnh danh là quê hương của lễ hội truyền thống.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ đã có từ rất lâu, nổi tiếng khắp cả nước bởi duy trì được nét truyền thống đặc sắc. Tục truyền, hội làng này để tưởng nhớ, tái hiện ngày Thánh Thiên Cương, vị tướng được người dân tôn thờ làm Thành hoàng làng ra xuất quân đánh giặc.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ diễn ra từ ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng. Xưa kia người dân trong làng làm pháo đốt trong ngày hội, ngày nay cấm đốt pháo nên người dân đã làm ra quả pháo Nhất và pháo Nhì để tượng trưng. Hai quả pháo được thanh niên trai tráng rước về đến đình cũng là lúc không khí tạm thời lắng xuống để 4 ông quan đám làm lễ. Sau đó là màn rước quan đám của 4 giáp thuộc Đồng Kỵ, đây được cho là phần vui nhất của hội. 4 ông quan đám chít khăn đỏ, đóng giả gái để mua vui cho mọi người, còn thanh niên trai tráng sẽ chen lấn, xô đẩy chạy vòng quanh sân đình. Vị quan đám nào được rước lâu nhất sẽ giành chiến thắng.
Bức tượng Phật A di đà tại Chùa Phật Tích.
Hội chùa Phật Tích
Lễ hội khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là một trong những lễ hội lớn của tỉnh, có từ hàng nghìn năm gắn liền với ngôi chùa Phật Tích (nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam) có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh. Lễ hội diễn ra từ mồng 4 đến mồng 5 tháng Giêng.
Năm 2014, chùa Phật Tích được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ 2 nhóm bảo vật quốc gia gồm hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá. Lễ hội Phật Tích có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an, cầu bình an cho nhân dân, phật tử vào tối mùng 5. Phần hội gồm các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tại trung tâm lễ hội như: Hát Quan họ trên thuyền, hội thi tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi...
Người dân hò reo, cổ vũ hai đội thi kéo co tại khu Hữu Chấp.
Độc đáo kéo co Hữu Chấp
Theo thông lệ, mồng 4 tháng Giêng hàng năm, nhân dân khu Hữu Chấp, phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) lại tưng bừng mở hội, tưởng nhớ công đức 5 vị Thành Hoàng làng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Cùng với nghi lễ tế thần được tiến hành nghiêm trang thể hiện sự biết ơn của nhân dân với tiền nhân, lễ hội Hữu Chấp còn có nghi lễ kéo co rất độc đáo. Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Đội hình kéo co là những thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia làm hai bên Đông và Tây, mỗi bên 35 người. Hai đội kéo 3 keo, người dân đứng xung quanh hò reo, cổ vũ chờ đến keo thứ ba thì ùa vào kéo cho đội bên Đông giành phần thắng với niềm tin bên Đông thắng thì Thánh sẽ phù hộ cho mùa màng bội thu.
Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, trong đó có làng Hữu Chấp được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa Quốc gia.
Hội Lim thu hút đông đảo du khách.
Hội Lim
Nói đến Bắc Ninh là nói đến Hội Lim. Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật đặc sắc của những làng quê Quan họ, hình thành từ xa xưa. Hội Lim diễn ra ở đồi Lim (huyện Tiên Du) từ ngày 12-13 tháng Giêng, để tưởng nhớ hai vị sư tổ của làn dân ca Quan họ là Vua Bà và ông Hiếu Trung Hầu. 2 vị sư tổ đã để lại di sản cho con cháu với hơn 200 làn điệu âm nhạc đặc sắc, lời ca trữ tình, nồng nàn tình yêu đôi lứa.
Đến với hội Lim, bên cạnh những hoạt động rước, tế của phần lễ, các sinh hoạt văn hoá văn nghệ tại phần hội, thì nét đặc trưng tiêu biểu, lôi cuốn lòng người trảy hội nhất chính là câu hát dân ca Quan họ, thứ âm thanh, ngôn ngữ đầy sắc màu tình cảm sâu đậm, nhân ái, thuỷ chung, của tình yêu vượt mọi khoảng cách thời gian và không gian của người Quan họ. Du khách có thể xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà), lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam - nữ), hoặc "bọn" nam - nữ. Khách hành hương trẩy hội Lim còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống khác của địa phương, hay tham gia các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm, đấu vật... vốn là những trò chơi cổ truyền của hội làng mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.
Đền Bà Chúa Kho thu hút hàng nghìn lượt khách đến chiêm bái mỗi ngày.
Lễ hội đền Bà Chúa Kho
Khai hội vào ngày 14 tháng Giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) luôn chật kín người.
Theo quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”, những người tới đây trẩy hội đều mong muốn phát tài phát lộc trong năm mới. Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả (tức là tạ lễ). Ngoài ra, khách tới lễ hội ngoài để “vay vốn” còn muốn cầu bình an và sức khỏe.
Thuỷ đình tại Đền Đô.
Lễ hội Đền Đô
Đền Đô, hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế, Đền Cổ Pháp thuộc Khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn. Lễ hội Đền Đô diễn ra trong 3 ngày (từ 14–16/3 âm lịch), chính hội là ngày 15/3 – ngày Vua Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1010) và ban "Chiếu dời đô". Lễ hội được chia thành 02 phần: phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ, khai hội là phần quan trọng với nghi thức tế lễ “Túc Yết”, đây là nghi thức rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị, người đã có công sinh thành ra Lý Thái Tổ từ Đền Đô đến Đình thờ Thành Hoàng và Lục tổ (những vị đứng đầu sáu dòng họ có công lập làng vào thế kỷ XV), qua chùa Kim Đài (chùa thờ Pháp sư Định Không, ông Tổ thứ sáu của Phật giáo), rồi đến chùa Cổ Pháp và làm lễ tưởng niệm tại đây.
Phần Hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: Thi cờ tướng, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi, bóng bàn, đấu vật, thổi cơm niêu đất, thi gói bánh phu thê, thả chim bồ câu bay, hát quan họ, biểu diễn cải lương, giao lưu thơ ca… cùng nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt bắt lợn, đi cầu kiều, cầu khỉ, đập bóng nước…
Toàn cảnh chùa Bút Tháp.
Lễ hội chùa Bút Tháp
Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, thuộc thị xã Thuận Thành. Với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các hoạt động trong lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, trang trọng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Phần Lễ diễn ra trong khu nội tự với các hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ… Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ, chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa như: cầu đá, cối xay gạo, tháp bút, pho tượng phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay - một bảo vật quý hiếm của Quốc gia, du khách còn được hòa mình trong không gian rộng lớn của phần Hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ như: hát Quan họ trên truyền rồng; hát chèo, các trò chơi dân gian đặc sắc và hoạt động thi đấu thể dục thể thao…
Chùa Dâu - ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.
Lễ hội chùa Dâu
Lễ hội chùa Dâu được tổ chức long trọng và quy mô vào ngày 8 - 9/4 âm lịch với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp, lấy chùa Dâu làm trung tâm.
Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc với những giá trị lịch sử, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh gắn kết cộng đồng đang tới. Dưới tiết trời mùa xuân thuận lợi, người dân, du khách có cơ hội được hòa mình vào trong không khí sôi động nhưng cũng đủ trầm lắng, đậm đà bản sắc riêng có vùng Kinh Bắc để được thưởng thức các làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm. Tin tưởng rằng, thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao đầu xuân, sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách khi du xuân, trảy hội trên vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.