Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành

20/02/2025 14:30

(BNP) - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch số 229/KH-SVHTTDL thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2025.

Đẩy mạnh tuyên truyền công tác thi hành pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, góp phần bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, nghiêm minh, thống nhất; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật.

Theo Kế hoạch, Thanh tra Sở tăng cường phối hợp với các phòng quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở tổ chức tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, tập trung vào lĩnh vực an sinh xã hội, tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19.

Các phòng quản lý nhà nước, các đơn vị trực thuộc chủ động nghiên cứu, rà soát, báo cáo về Sở (qua Thanh tra Sở) để tổng hợp, xây dựng danh mục hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. Thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan nhà nước về tình hình thi hành pháp luật; thông tin tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do các tổ chức, cá nhân cung cấp. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định. Kiểm tra và điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Việc theo dõi thi hành pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện đầy đủ các nội dung theo dõi thi hành pháp luật quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP và phù hợp với tình hình thực tế của ngành.

H.H