Tầm quan trọng của Cổng Thông tin điện tử trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước

28/11/2024 11:02

(BNP) -  Trong bài phát biểu tham luận tại Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các Bộ, ngành và địa phương năm 2024, đồng chí Nguyễn Đăng Hòa, Phó Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Bắc Ninh đã nêu vấn đề: Nếu không có Cổng TTĐT thì tính trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch của cơ quan nhà nước đối với người dân thì sẽ thực hiện như thế nào?

Toàn cảnh Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương năm 2024.

Cổng TTĐT đóng vai trò là một nền tảng quan trọng trong việc cung cấp thông tin và giao tiếp giữa cơ quan nhà nước và người dân. Thông qua Cổng TTĐT cơ quan nhà nước công khai các thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật, ngân sách và các hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan có Cổng TTĐT. Điều này cho phép người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng trong bối cảnh các thông tin không chính xác, thông tin giả đang lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội.

Thông qua Cổng TTĐT, người dân có thể giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và yêu cầu giải trình khi cần thiết. Các cơ quan phải đảm bảo thông tin được cập nhật thường xuyên và chính xác. Minh bạch và công khai thông tin qua Cổng TTĐT giúp củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền. Người dân cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu khi chính quyền hoạt động rõ ràng và trách nhiệm.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, hệ thống Cổng TTĐT tỉnh có 156 Cổng TTĐT (thành viên Ban biên tập làm kiêm nhiệm), ngoài website còn có 156 tài khoản mạng xã hội như: Facebook hoặc Zalo, Youtube… của các cơ quan. Trong 5 năm hoạt động, Cổng TTĐT tỉnh có hơn 150 triệu lượt người truy cập vào website; gần 60 triệu lượt người tiếp cận fanpage Cổng TTĐT tỉnh; hiện có hơn 550 nghìn người theo dõi, mỗi tháng có khoảng 7-8 triệu lượt truy cập… Cổng TTĐT tỉnh có 37 biên chế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.

Đối với 156 Cổng TTĐT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao Cổng TTĐT tỉnh gửi thông tin để các Cổng TTĐT đăng lại và Cổng TTĐT tỉnh lấy thông tin của các địa phương để đăng lại trên Cổng TTĐT tỉnh.

Hằng tháng, chúng tôi chấm điểm các Cổng TTĐT thành phần và giao Cổng TTĐT cấp huyện chấm điểm Cổng cấp xã. Do vậy, các thông tin của Cổng TTĐT tỉnh đều được đăng lại trên 156 Cổng TTĐT của địa phương.

Nếu làm được như Cổng TTĐT Chính phủ hiện nay thì các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lan toả rộng tới hơn 5.000 Cổng TTĐT trên cả nước đảm bảo hiệu quả, mạng lưới tuyên truyền này rất tốt.

Chúng tôi cũng tập huấn nghiệp vụ đến tận cấp xã, ngoài việc gửi thông tin, chúng tôi còn cầm tay chỉ việc để hướng dẫn thực hiện.

Một vấn đề nữa là hệ thống loa phát thanh, ở các nơi khu phố, cư dân rất khó nghe và cũng không nghe được. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu thông tin đăng trên loa phát thanh cũng phải đăng trên Cổng TTĐT của các địa phương để người dân vào xem bất kỳ lúc nào.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm.

Qua quá trình hoạt động, chúng tôi có 4 bài học kinh nghiệm rút ra:

Thứ nhất, cần tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản. Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ TTĐT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó nổi bật nhất là 2 văn bản của UBND tỉnh: Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 18/03/2021 ban hành Quy chế phối hợp quản lý cung cấp thông tin trên các Cổng TTĐT. Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 21/8/2024 về việc Phát triển nội dung của Cổng Thông tin điện tử các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Thứ hai, vì Ban biên tập các Cổng TTĐT đang kiêm nhiệm nên cần phải quy định vị trí Trưởng Ban, Phó Trưởng ban của các sở, ngành và cấp huyện, xã để có hệ thống thống nhất nhân sự…

Thứ ba, tăng cường tổ chức hội thảo khoa học để tranh thủ tiếp thu các ý kiến, sáng kiến của các đồng chí tham gia hội thảo. Từ đó để chúng ta có bài học, gợi ý áp dụng vào địa phương nhằm hoạt động tốt hơn.

Thứ tư, nâng cao bản lĩnh chính trị, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ Cổng TTĐT, nhất là người đứng đầu.

Đồng chí Nguyễn Đăng Hòa, Phó Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh.

Chúng tôi xin đề xuất:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống các cơ quan Cổng TTĐT đồng bộ. Theo đó, đồng bộ về tổ chức, cơ chế hoạt động. Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tham mưu, triển khai xây dựng hệ thống Cổng TTĐT các bộ, ngành và đặc biệt là Cổng TTĐT cấp tỉnh được đồng bộ về tổ chức, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và cơ chế hoạt động. Đồng bộ về tên gọi, lấy tên là Cổng TTĐT, tiếp sau là tên tỉnh, thành phố.

Thứ hai, đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ chia các đơn vị theo khu vực để tổ chức phong trào thi đua để các đơn vị có động lực hoạt động tốt hơn cũng như học hỏi kinh nghiệm của nhau.

Thứ ba, cần chia sẻ, trao đổi, lan tỏa thông tin. Thời gian vừa qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã chia sẻ với Bắc Ninh về kho dữ liệu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lan tỏa thông tin.

Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị Cổng TTĐT Chính Phủ chia sẻ thông tin của địa phương để đăng lên Cổng TTĐT Chính phủ.

Nguồn: Nguyễn Đăng Hòa