Tầm quan trọng của hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông tin trong chuyển đổi số tại PC Bắc Ninh

27/09/2024 16:50

(BNP) - Thời gian qua, Công ty Điện lực Bắc Ninh (PC Bắc Ninh) đã tích cực triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào từng lĩnh vực của hoạt động sản xuất kinh doanh đơn vị. Trong đó, đảm bảo hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông tin được coi là nền móng vững chắc để công tác chuyển đổi số ngày một vươn cao, góp phần đem lại hiệu quả một cách rõ rệt, đảm bảo giúp cho Công ty hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp cho đơn vị quản lý vận hành hiệu quả lưới điện 110kV.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của PC Bắc Ninh thể hiện rõ nét trong lĩnh vực kỹ thuật - an toàn; kinh doanh dịch vụ khách hàng; quản trị nội bộ; đầu tư xây dựng; lưới điện thông minhgiúp đơn vị tính toán chính xác, vận hành an toàn theo đúng thực tế, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí, dự báo và chủ động ngăn chặn kịp thời rủi ro có thể xảy ra.Ngoài ra Công ty cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin, đẩy mạnh truyền thông số…

Bên cạnh đó, PC Bắc Ninh đã tăng cường phối hợp với chính quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân để cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 trên cổng thông tin điện tử Quốc gia; triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt thông qua hợp tác với đối tác ngân hàng BIDV, Argirank, Vietcombank, Vietinbank, ABBbank, các Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến MOMO, Viettel, Zion Zalopay, Vimo, Vnpay… Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn khách hàng các dịch vụ số của ngành điện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng của khách hàng.

Đến nay, Công ty đã thực hiện và đưa vào vận hành với khối lượng 1.215 km cáp quang bao gồm 944 km cáp quangtreo phi kim (ADSS) và 271 km cáp quang chống sét treo trên cột điện lực (OPGW). Hệ thống cáp quang phục vụ kết nối các kênh truyền nội bộ tới Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, các Điện lực, TBA 110 kV, các thiết bị đóng cắt trung thế: Recloser/LBS/RMU.... Cùng với đó là hệ thống thiết bị truyền dẫn liên tỉnh; mạng OT nội tỉnh với: 04 thiết bị Firewall, 02 thiết bị Switch POP, 57 thiết bị switch Access, 10 Server quản trị, 28 hệ thống mạng LAN tại Trung tâm điều khiển xa và tại các TBA 110kV…; mạng IT nội tỉnh với 05 thiết bị Firewall, 01 thiết bị Router, 04 thiết bị Switch Core, 09 thiết bị switch access, 12 hệ thống mạng LAN tại nhà điều hành Công ty và các đơn vị trực thuộc, hơn 20 Server quản trị, hệ thống Hội nghị truyền hình với 03 thiết bị điều khiển hội nghị đa điểm (MCU) và Server kết nối đến 13 điểm cầu tại nhà điều hành Công ty và các đơn vị trực thuộc.

Mặc dù công tác xây dựng cơ sở hạ tầng đến hiện tại PC Bắc Ninh đã thực hiện rất tốt nhưng nhìn nhận thực tế về hệ thống đường truyền, kho dữ liệu, các phần mềm… qua thời gian sẽ cần phải nâng cấp các thiết bị cũ chưa được hỗ trợ tính năng tự động hóa, điều khiển từ xa, để có thể đáp ứng yêu cầu cao hơn, việc chuyển đổi này cũng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn để thay thế các thiết bị này. Cùng với đó là việc đồng bộ và xử lý dữ liệu. Hiện nay, Công ty đang sử dụng và khai thác 50 phần mềm dùng chung của Tập đoàn và Tổng công ty. Lượng dữ liệu thu thập, xử lý từ các hệ thống phần mềm theo thời gian là rất lớn. Cùng một dữ liệu nhưng lại được theo dõi, quản lý trên nhiều phần mềm khác nhau…

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, PC Bắc Ninh đã tập trung nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, từng bước khắc phục, trước hết là tổ chức đào tạo, bồi huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận làm công tác khai thác, vận hành hệ thống phần mềm, hệ thống CNTT, hệ thống lưới điện thông minh. Tuyên truyền và kêu gọi các tổ chức đoàn thể trong Công ty tham gia hưởng ứng tích cực công tác nhận thức chuyển đổi số. Đặc biệt là phải thường xuyên quan tâm tăng cường, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, các dự án lưới điện thông minh, thay thế công tơ điện tử… Thực hiện các chính sách, trang bị đầy đủ các giải pháp phần cứng, phần mềm nhằm đảm bảo An toàn an ninh mạng khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được đưa lên không gian số.Ngoài ra, khuyến khích các CBCNV tích cực có ý tưởng, sáng kiến, đề tài hỗ trợ các nhiệm vụ và công tác chuyển đổi số của Công ty.

Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cùng với phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đảm bảo xây dựng vững chắc nền móng hạ tầng Viễn thông và Công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh là một hướng đi quan trọng để Công ty Điện lực Bắc Ninh góp phần cùng với Tổng công ty Điện lực miền Bắc phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp số mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề ra.