Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người trong các Khu công nghiệp
(BNP) - Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh có văn bản số 711/BQLCKCN-LĐ gửi các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người.
Cần tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Theo thông báo của Bộ Y tế, từ ngày 22/02/2023 tại Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), trong đó 01 trường hợp đã tử vong. Trước đó, vào cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận 01 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1), tại tỉnh Phú Thọ, đây là ca bệnh cúm A (H5N1) trên người đầu tiên tại Việt Nam kể từ năm 2014 liên quan đến lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Trong điều kiện giao lưu thương mại lớn, bên cạnh đó, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều KCN, di biến động dân cư, giao thương đi lại nhiều, đặc biệt là lao động ở các tỉnh và từ các nước khác đến. Mặt khác, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi thất thường tạo điều kiện cho vi rút cúm gia cầm phát triển, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người là rất lớn.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, lây lan trong các KCN, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh cúm gia cầm lây sang người; tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Khuyến cáo người lao động tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh phòng chống dịch,... theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin người lao động đến từ các quốc gia, khu vực đang lưu hành dịch bệnh truyền nhiễm, khu vực đang có dịch Cúm A (H5N1) đến làm việc tại doanh nghiệp. Phối hợp với cơ quan Y tế địa phương trong công tác xác minh, truy vết các trường hợp mắc/nghi mắc đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, cúm gia cầm lây sang người và các bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập vào doanh nghiệp.
Tổ chức định kỳ vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) tại doanh nghiệp. Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch.
Bên cạnh đó, cử cán bộ y tế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do ngành Y tế tổ chức để cập nhật các kiến thức chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ chẩn đoán điều trị các bệnh mới nổi.
Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, UBND cấp huyện, cơ quan y tế các cấp trong công tác phòng, chống dịch. Chủ động, liên tục cập nhật thông tin trên các trang website chính thức của Chính phủ, của tỉnh để nắm rõ tình hình dịch bệnh, có biện pháp ứng phó kịp thời./.