Tăng cường thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
(BNP) - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Quý I/2025.
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Dabaco (thành phố Bắc Ninh).
Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Trong đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn. Triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, thực hiện kế hoạch, phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết và các biện pháp bình ổn thị trường; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường khả năng cung ứng, dự trữ hàng hóa.
Phối hợp với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng Việt Nam. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích thích tiêu dùng, áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai các chương trình ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để thúc đẩy tiêu dùng.
Tăng cường tổ chức các hội chợ Xuân, các sự kiện quảng bá sản phẩm gắn với giá trị văn hóa, truyền thống của Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp
Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ xăng dầu theo quy định; có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về các chương trình bình ổn thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến mại lớn nhằm tạo niềm tin và khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và Quý 1/2025, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, tiết giảm chi phí; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động lập phương thức trực vận hành cung cấp điện, phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) huy động các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng, bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục, đặc biệt tại các khu vực sản xuất hàng hóa thiết yếu, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vực dân cư đông đúc.
Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại, tích cực tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại địa phương, các hoạt động trong chương trình kích cầu tiêu dùng; tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt Nam nói riêng cho người dân. Tổ chức các chương trình bán hàng Tết với giá ưu đãi, giảm giá sâu, kết hợp với các hoạt động khuyến mại tập trung quy mô lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa Việt Nam.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao năm 2025, bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.