Tập huấn công tác kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể năm 2024

14/03/2024 10:57

(BNP) - Sáng 14/3, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch Phú Sơn (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn công tác kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Lương Tài.

Các đại biểu tham dự buổi tập huấn.

Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du; Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và cán bộ phụ trách công tác văn hóa của 49 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Lương Tài.

Hiện nay, toàn tỉnh có 04 Di sản được UNESCO ghi danh (Dân ca Quan họ, Ca trù, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghi lễ và trò chơi Kéo co); 08 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội làng Diềm, hội rước pháo làng Đồng Kỵ, hát Trống quân làng Bùi Xá, Tranh dân gian Đông Hồ, nghề gốm Phù Lãng, nghề gò đồng Đại Bái, nghề chạm khắc gỗ Phù Khê, nghề thủ công tre, trúc Xuân Lai). Công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 là nhiệm vụ thiết yếu nhằm nhận diện, xác định giá trị, đánh giá thực trạng, tư liệu hóa, bổ sung danh mục Di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đề xuất tham mưu với các cấp chính quyền phương án bảo vệ Di sản, tránh tình trạng biến đổi Di sản, mai một Di sản, thậm chí Di sản bị biến mất khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, quá trình kiểm kê cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và phát huy vai trò là chủ thể văn hóa trong bảo tồn Di sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Đáp phát biểu tại buổi tập huấn.

Theo Kế hoạch, trong năm 2024, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiến hành công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn 49 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du, huyện Lương Tài.

Tại lớp tập huấn, giảng viên của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cung cấp, trang bị những nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, bảo tồn, phát huy Di sản; nhận diện, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân và cộng đồng; nhận diện, kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể ở Bắc Ninh; hướng dẫn phương pháp, quy trình và kỹ thuật kiểm kê Di sản; kỹ thuật phỏng vấn, ghi âm trong kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể; thực hành điền mẫu phiếu kiểm kê; hướng dẫn triển khai kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương…

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hoá, Đại học Văn hoá Hà Nội giới thiệu chuyên đề.

Thông qua tập huấn nhằm giúp cán bộ phụ trách công tác văn hóa nâng cao nhận thức và khả năng nhận diện, xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thực trạng của Di sản văn hóa phi vật thể đang được thực hành, duy trì, truyền dạy tại các làng, các khu dân cư, từ đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

H.H