Tập trung cao cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm

24/03/2017 11:14

(BNP) - Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, bệnh nhằm khống chế, không để dịch, bệnh phát sinh, lây lan, gây ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi và sức khỏe của người dân.

Nông dân xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 huyện, thành phố là: Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, làm chết và tiêu hủy 9.137 con gia cầm, thủy cầm. Mới đây nhất, ngày 10/3/2017, xuất hiện ổ bệnh cúm gia cầm A/H5N1 tại 01 hộ chăn nuôi ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, làm chết và tiêu hủy 247 con gà, ngan và ngỗng.
 
Ngay sau khi xuất hiện các ổ bệnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, bao vây khoanh vùng, khống chế dịch bệnh lây lan. Trong đó, tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh và nghi nhiễm cúm H5N1 của 08 hộ chăn nuôi theo quy định. Đồng thời, tổ chức ký cám kết phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tập trung; sử dụng hóa chất sát trùng, rắc vôi bột để khử trùng tiêu độc môi trường tại các hộ và thôn có dịch cũng như các khu vực lân cận. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành rắc gần 645 tấn vôi bột và phun 5.500 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường.

Công tác kiểm soát giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm, nhất là tại các khu vực xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm được coi trọng, đã thành lập 02 Đội kiểm dịch cơ động liên ngành của tỉnh và lập các chốt kiểm dịch động vật tại các xã có ổ dịch. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành hơn 2.500 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến gia súc, gia cầm, xử phạt hành chính 88 cơ sở với tổng số tiền184 triệu đồng và buộc tiêu hủy 5.000kg sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã chuẩn bị đầy đủ đủ vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tính đến ngày 13/3, toàn tỉnh tổ chức tiêm được 3.300.000 liều vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó có 113.460 liều vắc xin tại các xã, phường xuất hiện ổ bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè từ 15/3 đến 30/4/2017.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền được coi trọng, Ngành NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, nhất là vi rút cúm A/H7N9, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách hiệu quả. Đặc biệt, tuyên truyền để nhân dân giám sát, phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dich bệnh nên từ khi xuất hiện đến nay, các ổ bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, dập tắt, không để lây lan, phát sinh các ổ bệnh mới.

Cũng theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các loại dịch bệnh ở đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm bùng phát, lây lan. Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tích cực hướng dẫn người dân, nhất là các hộ chăn nuôi tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử trùng tiêu độc môi trường cũng như tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm phòng đại trà vụ xuân-hè, góp phần bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi và sức khỏe nhân dân.

 

H.T