Thành công từ niềm say mê, sáng tạo sản phẩm gốm truyền thống
(BNP) - Hơn 30 năm trong nghề làm gốm truyền thống, đối với anh Phạm Văn Khơi, sinh năm 1973 (phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn), muốn thành công thì người thợ làm nghề phải luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo không ngừng, đem đến cho khách hàng những sản phẩm gốm chất lượng cao, mẫu mã đẹp trên cơ sở kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý của cha ông để lại từ bao đời nay.
Anh Khơi giới thiệu sản phẩm bình gốm vuốt tay nghệ thuật tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2024.
Sinh ra trong gia đình có nghề làm gốm truyền thống ở làng nghề Phù Lãng, thị xã Quế Võ, nghề làm gốm đã bén duyên với anh Khơi ngay từ thuở niên thiếu. Bước vào thời kỳ mới, nghề làm gốm nơi đây dần bị mai một do chậm thích nghi với nhu cầu của khách hàng. Do vậy, vợ chồng anh Khơi đã phải đi sang làng nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để làm thuê và học hỏi, tích lũy thêm các kinh nghiệm, kỹ thuật mới.
Năm 2022, anh chị quyết định mua đất, sản xuất gốm quy mô gia đình tại phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn. Khác với các sản phẩm gốm thông thường, gia đình anh Khơi chuyên sản xuất dòng gốm tâm linh như: tượng, lư hương, bình, lọ hoa trang trí… trong các đình, đền, chùa. Vừa làm, vừa học hỏi, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, dần dần các sản phẩm của gia đình anh đã chinh phục được khách hàng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, mỗi tháng, anh Khơi sản xuất ra thị trường khoảng 50 chiếc lư hương, hàng chục chiếc bình, lọ hoa các loại cùng nhiều sản phẩm khác, tạo việc làm ổn định cho 03 lao động trong gia đình.
Thực hiện khâu tạo hình cho sản phẩm lư hương giả cổ.
Đặc biệt, các sản phẩm của gia đình anh đều được làm theo lối men cổ, nguyên liệu được làm từ đất sét kết hợp với than củi theo tỷ lệ nhất định nên giữ được màu sắc tự nhiên và bền màu theo thời gian. Theo anh Khơi, muốn sản phẩm được bền, đẹp, khâu lọc đất phải kỹ lưỡng. Tiếp đến các khâu tạo hình, lên ý tưởng, kỹ thuật vuốt, đắp, nung cũng đều được đảm bảo. Sự đam mê, tâm huyết với nghề được thể hiện qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của người thợ khiến cho các đường nét, chi tiết trên các dòng sản phẩm trở lên có hồn, sinh động hơn.
Anh Khơi giới thiệu sản phẩm lư hương giả cổ tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2024.
Năm 2024, anh Khơi đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đối với 02 sản phẩm lư hương giả cổ và bình gốm vuốt tay nghệ thuật. Đây cũng là 2 trong số các phẩm chủ đạo, được anh Khơi cùng các thành viên trong gia đình đặt nhiều tâm huyết. Sản phẩm được làm bằng màu men cổ da lươn tự nhiên, với nhiều kích cỡ khác nhau, tạo hình là các linh vật: long, ly, quy, phượng, hình cá chép vượt ngũ môn cùng hoa lá cách điệu sinh động, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao, đây cũng là sự sáng tạo mới mẻ trong sản xuất đồ gốm của gia đình trong tương lai.
Khâu lọc, nhào đất sét trong quy trình sản xuất đồ gốm.
Anh Khơi cho biết “Tham gia Chương trình OCOP, gia đình mong muốn các cấp, các ngành quan tâm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, hỗ trợ gia đình thành lập trang website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thường xuyên được tham gia các hội chợ, sàn giao dịch điện tử, giúp các sản phẩm của gia đình ngày càng vươn xa, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và góp phần gìn giữ, phát huy các sản phẩm làng nghề truyền thống của quê hương”.