Thảo luận Tổ 13: Cần có chế tài mạnh với trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền

08/11/2023 18:08

(BNP) - Chiều 8/11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Ninh cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang tiến hành thảo luận tại Tổ 13 về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Các ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận tại Tổ 13.

Đa số các ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Luật hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản. Tuy nhiên cũng còn một số nội dung cần nghiên cứu, điều chỉnh.

Tham gia ý kiến vào Quy định chung về tài sản đấu giá tại khoản 1, Điều 1, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trong thực tế hiện nay có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá… Ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán, chuyển nhượng cho bên khác… Đại biểu đề nghị điều chỉnh lại như sau: “1. Trường hợp pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực sau đây có quy định tài sản phải được bán bằng hình thức đấu giá, thì áp dụng Luật này khi bán tài sản đó, cụ thể:…”.

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Về niêm yết việc đấu giá tài sản, theo đại biểu Trần Thị Vân, tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức này là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do vậy, nếu chỉ quy định niêm yết ở trụ sở trong khi không niêm yết ở chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin. Đề nghị xem xét sửa nội dung tại khoản 9, Điều 1 dự thảo Luật như sau: từ “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức” thành “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản là tổ chức”.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định liên quan về tài sản đấu giá trong trường hợp thực hiện đấu giá trực tuyến; “quyền sử dụng tần số vô tuyến điện”; các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước; tài sản không đủ điều kiện đưa ra bán đấu giá; hủy kết quả đấu giá tài sản...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị cân nhắc quy định tiền đặt trước có tính linh hoạt hơn, để với một số loại tài sản sẽ giao pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể. Đại biểu cũng đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật để đảm bảo  tính đồng bộ khả thi với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng thờii đề nghị nghiên cứu thêm các chế tài mạnh hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền để tránh các nhu cầu ảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, cơ sở ban hành Luật thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ là thuyết phục và toàn diện. Hiện nay, cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vẫn là những văn bản dưới luật (Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công nghiệp an ninh) và có nhiều điểm không phù hợp với các luật chuyên ngành, chưa thể chế hóa được quan điểm của Đảng trong lĩnh vực này. Để có cơ sở pháp lý đủ mạnh và thống nhất, cần gộp ba lĩnh vực trên để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong giai đoạn hiện nay. 

Đại biểu cũng đề nghị cần đảm bảo tính thống nhất, tương thích giữa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các luật liên quan, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. 

Đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến liên quan đến quy định về: Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Điều 5); cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 18)...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung thêm các nội dung cơ bản và điểm mới thể hiện trong dự thảo Luật; đồng thời nghiên cứu, xem xét một số nội dung trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.

M.B