Thị xã Thuận Thành công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia - Mộc bản chùa Dâu
(BNP) - Sáng 13/5, tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia - Mộc bản chùa Dâu và khai mạc lễ hội truyền thống tổng Dâu năm 2024.
Lãnh đạo thị xã Thuận Thành trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia - Mộc bản cho chùa Dâu.
Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị xã Thuận Thành, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh.
Chùa Dâu thuộc tổng Dâu xưa, nay thuộc phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, được biết đến là ngôi chùa cổ hình thành sớm nhất tại nước ta. Đây là một trong những di tích lịch sử tín ngưỡng tôn giáo đánh dấu sự khởi nguồn của đạo Phật ở Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo dự Lễ công bố Quyết định.
Hiện nay, chùa Dâu được biết đến như danh lam bậc nhất xứ kinh Bắc, với giá trị nổi bật độc đáo về lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Năm 2013, chùa Dâu được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; năm 2017, bộ Tượng phật Tứ pháp vùng Dâu được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ngoài ra, chùa Dâu hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá, tiêu biểu như bia đá, khánh đá, chuông đồng...
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng.
Đặc biệt, tháng 1/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật Quốc gia. Mộc bản gồm 107 ván khắc, là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về phật Tứ pháp, kể hạnh về phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
Mộc bản chùa Dâu.
Giới nghiên cứu tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi (ván chưa xác định được tên gọi).
Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên Mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây Thị. Trải qua thời gian gần 300 năm nhưng ván khắc ở chùa Dâu vẫn còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng. Hiện nay, toàn bộ 107 ván khắc gỗ ở chùa Dâu đang được bảo vệ, bảo quản, cất giữ cẩn trọng.
Các đại biểu tham quan Mộc bản.
Việc công nhận Bảo vật Quốc gia là một căn cứ pháp lý quan trọng thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật đối với bộ Mộc bản tại chùa Dâu. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật lâu dài, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người dân; làm sáng tỏ lịch sử, truyền thống văn hoá, phong tục tập quán của địa phương. Thông qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, Bảo vật Quốc gia tại chùa Dâu.
Văn nghệ khai mạc buổi Lễ.
Cũng trong sáng nay, thị xã Thuận Thành tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống tổng Dâu năm 2024. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 - 15/5 (tức ngày 6 - 8/4 âm lịch) với nhiều nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp. Cùng với phần lễ là các hoạt động phần hội: Hát Quan họ trên thuyền; múa rối nước Đồng Ngư; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ca trù, trống quân, hát chèo, hát văn...; giao lưu văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian cờ tướng, tổ tôm điếm...