Tiềm năng phát triển

23/07/2019 16:57

 

Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 45km, cách cảng biển Hải Phòng 110km, là đầu mối quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, nằm trên hành lang kinh tế Việt – Trung và trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bắc Ninh còn có thế mạnh về hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt với rất nhiều trục giao thông lớn chạy qua bao gồm: QL1A, QL1B mới, QL18, QL38, đường cao tốc đi sân bay Quốc tế Nội Bài, có tuyến đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc, các tuyến đường thủy dọc sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình nối Bắc Ninh với các tỉnh lân cận và các cảng biển quan trọng của vùng là cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân... giúp Bắc Ninh dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và thương mại phía Bắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về kinh tế - xã hội và khai thác các tiềm năng hiện có của tỉnh.

Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, nơi khởi nguồn của Thủy tổ Việt Nam (Kinh Dương Vương), là quê hương của Vương triều Lý cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt... Quê hương của những làn điệu Dân ca Quan họ mượt mà đằm thắm, được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức được tái lập và hoạt động theo đơn vị hành chính mới, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo đà phát triển cho quê hương Bắc Ninh trong giai đoạn mới.

Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997-2016), từ một tỉnh thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp chiếm 45% GDP, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trên cơ sở xác định đúng chiến lược, lộ trình, bước đi, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp cao nhất cả nước, nổi bật là: Quy mô GRDP đứng thứ 6 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước; Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 2 cả nước; Thu hút vốn đầu tư FDI đứng thứ 5 cả nước; Thu ngân sách xếp thứ 10 toàn quốc; Tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân 17,16 tiêu chí/xã; Tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập cho trẻ Mầm non 5 tuổi, là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; Đứng đầu cả nước về công tác phổ cập giáo dục, tỷ lệ phòng học kiên cố các cấp học và tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nhiều năm trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI xếp thứ 2 toàn quốc.
 
Đặc biệt những thành tựu về kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của tỉnh cũng như sự cố gắng vượt trội của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được đã cán đích mục tiêu của năm 2020 đề ra và sẽ là tiền đề để sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022. Trong đó, quy mô GRDP đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước; Thu hút vốn FDI đứng thứ 6 (6 tháng đầu năm 2019 thu hút FDI đứng thứ 3); Giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2; Thu ngân sách nhà nước đứng 9 cả nước; Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đứng thứ 1; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đứng thứ 5; Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia và kiên cố hóa trường học đứng thứ 1; Tỷ lệ Trạm y tế chuẩn Quốc gia đứng thứ 1 cả nước...