Tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh, hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong thời gian tới

06/06/2024 14:06

(BNP) - Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương tỉnh Bắc Ninh năm 2024 với chủ đề “Bản lĩnh đột phá - Củng cố niềm tin - Nâng tầm cao mới” diễn ra sáng nay (06/6).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang (thứ 3 từ phải qua), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 2 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, đại diện các Bộ, ngành, các Sở, ban, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Bắc Ninh nằm ngoài nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất với 65,96 điểm, giảm 3,12 điểm so với năm 2022. Trong đó, có 04 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Tính năng động; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ 21/30 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn.

Đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh khi xếp thứ 03 cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Hồng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cũng gợi mở một số giải pháp nhằm giúp Bắc Ninh duy trì tốt thứ hạng chỉ số PAPI thời gian tới. Trong đó, cần niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trên Cổng Thông tin điện tử; áp dụng các biện pháp giảm thiểu/ngăn chặn hành vi vòi vĩnh của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công của địa phương…

Từ trái qua: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng dự Hội nghị.

Hội nghị cũng được nghe Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đăng Khang phân tích chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) Bắc Ninh năm 2023; Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Lê Đức Kỳ phân tích chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) Bắc Ninh năm 2023.

Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch.

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương đã tập trung làm rõ nguyên nhân gây giảm điểm, giảm thứ hạng các chỉ số thành phần, đồng thời, đề xuất các sáng kiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm góp phần cải thiện đồng bộ, hiệu quả các chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia Chính sách công.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ và cụ thể hóa những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia, những khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại” vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị.

“Quan trọng nhất hiện nay đó là cần tập trung cao đón bắt thời cơ, cơ hội mới; tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong chính quyền các cấp, lan tỏa khát vọng, bản lĩnh tạo đột phá đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh, hướng tới những mục tiêu cao, lớn hơn, xa hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Hoàng Ngọc Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, các chi phí chính thức và không chính thức. Trong đó, cần tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường, đặc biệt là đất đai.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đăng Khang.

Tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở gắn với triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở, cấp xã. Nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ ở cấp huyện; đề cao tính chuyên nghiệp và lan tỏa văn hóa công vụ theo tinh thần Nghị quyết số 71 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Lê Đức Kỳ.

Cùng với đó, quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư xã hội, đảm bảo tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Lân.

Đối với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, tham mưu cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương căn cứ kết quả các chỉ số, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch cải thiện năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Bình Lương Trung Hậu.

Chủ tịch UBND tin tưởng rằng với tinh thần cầu thị, lắng nghe, quyết tâm đổi mới, trách nhiệm với từng khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp dù là nhỏ nhất, cùng với sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt để quay trở lại quỹ đạo phát triển vốn có của tỉnh.

S.T