Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân

26/09/2019 14:43

(BNP) - Sáng 26/9, tại thành phố Bắc Ninh, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương (thuộc Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị tọa đàm trao đổi và tập huấn về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Dự Hội nghị có lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính; Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cùng hơn 100 đại biểu đến từ 25 tỉnh, thành Hội khu vực Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân”, tính đến hết tháng 06/2019, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong toàn hệ thống đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng 2.737 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Đề án. Trong đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng hiện đạt gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 45,34% so với tổng nguồn Quỹ cả nước. Với doanh số cho vay, quay vòng đạt trên 4.356 tỷ đồng, Quỹ đã hỗ trợ cho gần 280.000 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn đạt hiệu quả cao tạo tiền đề, điều kiện cho phát triển kinh tế hợp tác trong nông thôn.

Bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động Quỹ được kiện toàn 03 cấp (Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) dần đi vào nề nếp. Công tác cho vay, quản lý nguồn vốn, quay vòng luân chuyển, hoàn trả vốn được tổ chức chặt chẽ đúng quy định. Các cơ chế, định mức cho vay cũng được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo hướng nâng lên và mở rộng quy mô lớn hơn cho phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, quản lý, điều hành hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có sự nhất quán về thẩm quyền thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; vận động tăng trưởng nguồn vốn không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước; việc lựa chọn, xây dựng mô hình theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, việc sử dụng vốn kém hiệu quả dẫn đến xảy ra tình trạng nợ quá hạn; một số quy định hiện nay không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên bộc lộ bất cập về đối tượng vay vốn, mức cho vay, mức phí cho vay, thời hạn vay, thời hạn trả nợ gốc, tỷ lệ phân bổ phí giữa các cấp Hội, quy định về địa bàn cho vay, số hộ trong một dự án…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, sẻ chia những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong thực tiễn công tác vận động, phát triển, quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tại địa phương. Đồng thời, đề xuất giải pháp đổi mới hoạt động Quỹ, xây dựng phương hướng hoạt động các giai đoạn tiếp theo, trong đó tập trung vào việc đổi mới mô hình, đối tượng, địa bàn cho vay; vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn xã hội hóa, ngoài ngân sách... qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Chiều cùng ngày, các đại biểu được tập huấn những nội dung cơ bản về tổ chức, hoạt động Quỹ; nghiệp vụ cho vay, thu nợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
T.L