Tiếp tục rà soát, bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật

13/02/2025 15:04

Sáng 13-2, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ sự nhất trí về việc cần thiết sửa đổi toàn diện đối với 2 luật là  Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng thời đóng góp ý kiến về một số nội dung cụ thể như:

Đối với Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi). Một là, về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6 dự thảo Luật): Quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền (Luật hiện hành không có) là cần thiết, bảo đảm tính gắn kết giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức Quốc hội, tính thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các luật liên quan đến trình tự tố tụng; phân định rõ thẩm quyền giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, về phân cấp và uỷ quyền (Điều 8, 9 dự thảo Luật): Quy định về phân cấp, uỷ quyền tại dự thảo luật (Luật hiện hành không có) góp phần hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương; làm rõ được chủ thể phân cấp, uỷ quyền; cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, uỷ quyền; quy định rõ việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, uỷ quyền không được phân cấp,uỷ quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp, uỷ quyền.

Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 10 dự thảo luật): Dự thảo luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, thẩm quyền của Chính phủ và 8 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, bảo đảm Chính phủ thực hiện chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch …

Thứ tư, về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ (Điều 14 dự thảo Luật): Tại khoản 4 Điều 14 dự thảo luật, bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản thay mặt Chính phủ, góp phần hoàn thiện trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 19 dự thảo Luật): Tại khoản 2, khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; Quyết định theo thẩm quyền các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu theo quy định của pháp luật. Quy định như trên đảm bảo tính thống nhất và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng chưa quy định thống nhất về việc ban hành chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hiện nay (có ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có ngành do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành).

Thứ sáu, về cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 24 dự thảo Luật): Tại khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật bổ sung làm rõ chức năng của cơ quan thuộc Chính phủ là  cơ quan “thực hiện chức năng thực thi chính sách, phục vụ quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công”. Việc quy định rõ cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giúp cho việc Chính phủ khi quyết định thành lập cơ quan này, bảo đảm hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):

Thứ nhất việc xác định số lượng đại biểu HĐND:  Tại khoản 5, Điều 27 dự thảo luật quy định: “UBTVQH quy định số lượng đại biểu HĐND”. Để bảo đảm tính ổn định và thuận lợi cho công tác tổ chức, đề nghị bổ sung cụm từ “việc xác định”  vào khoản 5, cụ thể như sau: “UBTVQH quy định việc xác định số lượng đại biểu HĐND”. Trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung quy định “Thường trực HĐND khóa trước xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu của đơn vị hành chính cùng cấp”.

Thứ hai về trình tự giải quyết công việc HĐND uỷ quyền cho Thường trực HĐND. Tại Khoản 14, Điều 28 dự thảo quy định: “Trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất: a) Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; b) Điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm”.

Thứ ba về hình thức họp HĐND: Tại Điều 31 dự thảo luật quy định việc HĐND họp thường lệ, họp chuyên đề, họp công khai, họp kín, họp, bàn quyết định những công việc của địa phương. Tuy nhiên, chưa quy định hình thức họp trực tuyến. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định tổ chức kỳ họp HĐND theo hình thức trực tuyến để đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ họp trong những trường hợp đặc biệt và phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước hiện nay.

Thứ tư về từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu được quy định tại Điều 34 dự thảo luật. Thực tế hiện nay, quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với việc miễn nhiệm người giữ chức vụ trong HĐND thì chưa có quy định cụ thể. Việc này, gây khó khăn, không thống nhất trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đề nghị dự án luật bổ sung quy định về quy trình, thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đề nghị bổ sung chức năng nhiệm vụ của Trưởng ban, Phó trưởng ban  của HĐND để làm căn cứ, cơ sở xây dựng Quy chế làm việc của các Ban của HĐND.

Tại kỳ họp này Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi đồng thời với các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ... do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu để bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

* Đại biểu Nguyễn Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh, đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong bối cảnh thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, đồng thời góp ý kiến đề nghị Chính phủ chủ trì xem xét, nghiên cứu thêm một số nội dung cụ thể:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là người đứng đầu hành chính về ngành, lĩnh vực được phân công, có thẩm quyền cao nhất trong việc quản lý hành chính đối với ngành, lĩnh vực đó. Cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ được thành lập ra để giúp Bộ trưởng thực hiện thẩm quyền này. Chức năng, thẩm quyền của Bộ, Cơ quan ngang bộ là sự chuyển hoá chức năng, thẩm quyền của Bộ trưởng và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi  mặt hoạt động quản lý của Bộ mình, đơn vị, ngành, lĩnh vực được phân công.

Tại Khoản 10, Điều 34 luật hiện hành quy định Bộ trưởng có chức năng nhiệm vụ là lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tại Điều 19 dự thảo luật không có quy định nhiệm vụ này. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để trao quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc chỉ đạo công tác thanh tra thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Trong thực tế điều hành, khi có vấn đề phát sinh, Bộ trưởng có thể chỉ đạo ngay cơ quan thành tra thực hiện công tác thanh tra để giúp phát hiện, xử lý chấn chỉnh kịp thời hành vi vi phạm hành chính đồng thời có thể xem xét sửa đổi, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản kịp thời giúp cho công tác quản lý hiệu lực, hiệu quả, thông suốt.

Báo Bắc Ninh