Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện

08/05/2014 08:30
(BNP) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo Nghị định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác ở địa phương. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
 
Nguyên tắc tổ chức cần đảm bảo đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp huyện và bảo đảm tính thống nhất, thông suốt về quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở. Tổ chức phòng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; bảo đảm tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; không nhất thiết ở cấp tỉnh có sở nào thì cấp huyện có tổ chức tương ứng.
 
Nghị định quy định rõ, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (Trưởng phòng) chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn do mình phụ trách.
 
Cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND (Phó Trưởng phòng) là người giúp Trưởng phòng chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công. Khi Trưởng phòng vắng mặt một Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 3 người.
 
Nghị định cũng quy định số lượng cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện. Theo đó, 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gồm: phòng Nội vụ; phòng Tư pháp; phòng Tài chính – Kế hoạch; phòng Tài nguyên và Môi trường; phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; phòng Văn hóa và Thông tin; phòng Giáo dục và Đào tạo; phòng Y tế; Thanh tra huyện; Văn phòng HĐND và UBND hoặc Văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức HĐND.
 
Ngoài 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nêu trên, tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, tại các quận và các thị xã, thành phố thuộc tỉnh có phòng Kinh tế; phòng Quản lý đô thị. Ở các huyện có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng Kinh tế và Hạ tầng. Ngoài ra, còn có phòng Dân tộc chịu trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Việc thành lập Phòng Dân tộc do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định căn cứ tiêu chí quy định tại Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004.
 
Riêng đối với các huyện đảo, Nghị định quy định: số lượng cơ quan chuyên môn của UBND huyện đảo không quá 10 phòng. Căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện đảo.
 
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2014.
Nguyên A Tuấn
Nguồn: BBN