Tổng thể số hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
(BNP) - Nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về tổng thể số hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi tại Công an thành phố Từ Sơn.
Mục tiêu Kế hoạch nhằm lưu trữ điện tử và tra cứu phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu giấy tờ và thời gian xử lý phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành rà soát lại toàn bộ lĩnh vực chưa hoàn thành số hóa dữ liệu, chưa xây dựng xong cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá; dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nghiêm khắc phê bình những cơ quan, đơn vị, cá nhân chậm chễ, không bảo đảm đúng kế hoạch, nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Thực hiện cung cấp các dữ liệu để phục vụ lưu trữ điện tử, đủ điều kiện kết nối với các dữ liệu chuyên ngành khác, được phép chia sẻ để hình thành dữ liệu chung của tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, tài liệu hiện đang lưu trữ, quản lý, hoàn thành trong quý I/2025. Đối với một số Sở, ngành có nhiệm vụ đặc thù thì thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên.
Về giải pháp thực hiện, các Sở, ban, ngành, địa phương cần xây dựng danh mục, thống kê các hồ sơ, tài liệu đang lưu trữ, bảo quản để số hóa hồ sơ, tài liệu; xác định những loại hồ sơ, dữ liệu quan trọng, cấp thiết cần triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, thống kê cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các cơ quan, đơn vị phục vụ số hóa, lưu trữ hồ sơ tài liệu điện tử; phân tích, lựa chọn các loại dữ liệu sau khi số hóa được phép chia sẻ, kết nối hoặc lưu trữ điện tử…
Thông qua việc số hoá hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực sẽ hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, góp phần tạo lập dữ liệu cho Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.