Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
(BNP) - Sáng 14/5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác PCTT và TKCN năm 2024. Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang (thứ 3 từ trái qua); Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 2 từ phải qua); Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng (thứ 2 từ trái qua) theo dõi Bản đồ PCTT và TKCN năm 2024.
Cùng dự có các đồng chí: Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đại tá Nghiêm Đình Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2023, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 05 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới, không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt dải hội tụ trên cao gây mưa lớn, làm một số diện tích cây trồng bị ngập úng cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ. Đồng thời, chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại tăng cường đã ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân. Đặc biệt, đã xảy ra sự cố sạt lở đất trên đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh làm 06 công trình nhà kiên cố và các công trình phụ của các hộ dân bị sụt, lún, nghiêng đổ xuống sông, gây thiệt hại về tài sản và mất an toàn về người, an toàn đê điều.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Về thu Quỹ PCTT, năm 2023 toàn tỉnh thu gần 63 tỷ đồng. Công tác điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ được tỉnh và các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thu gần 101 tỷ đồng Quỹ PCTT; bảo đảm đúng đối tượng, nhằm hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai và cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Về xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp đã phát hiện, lập biên bản, đề nghị các địa phương xử lý 893 trường hợp vi phạm Lật Đê điều, Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn tồn tại 4.741 trường hợp vị phạm. Nhiệm vụ trước mắt để xử lý vi phạm tiếp tục phân loại, rà soát, đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp, đưa ra thời gian, phương án xử lý trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và lấy phòng là chính, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch PCTT và TKCN của tỉnh, xác định các trọng điểm về PCTT, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi; tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; chỉ đạo huyện Yên Phong tổ chức thành công diễn tập PCTT và TKCN năm 2023…
Năm 2024, dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh theo phương châm “Hành động sớm - chủ động trước thiên tai” nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh và khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ, không khí lạnh, nắng nóng xảy ra đảm bảo sát thực tế; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Xác định các trọng điểm về PCTT và tiến hành tu bổ, sửa chữa các công trình đê kè, cống; triển khai kế hoạch xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi. Tổ chức diễn tập PCTT và TKCN huyện Lương Tài vào tháng 7/2024…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Song Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đề nghị, trên cơ sở Kế hoạch PCTT và TKCN của tỉnh năm 2024, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, tổ chức phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá hiện trạng công trình chống lũ, chống úng, xác định các trọng điểm xung yếu, xây dựng phương án phòng, chống và chuẩn bị các điều kiện cần thiết với phương châm “4 tại chỗ”.
Thực hiện tu bổ, sửa chữa đê, kè, cống, các công trình phục vụ tiêu úng; xây dựng phương án chống úng đối phó với mưa lớn bất thường có thể xảy ra. Giao Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra rà soát các điểm ách tắc, điểm đấu nối giữa các hệ thống để đảm bảo tiêu thoát nước trong các khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp. Tổ chức kiểm tra, rà soát vật tư, thiết bị, tham mưu đề xuất bổ sung đầy đủ và thường xuyên bảo dưỡng các trang thiết bị đảm bảo hoạt động tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai; phối hợp, chỉ đạo huyện Lương Tài tổ chức tốt diễn tập PCTT và TKCN năm 2024.
Toàn cảnh Hội nghị.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo rà soát xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh cần rà soát kỹ, chi tiết các trường hợp vi phạm ngoài bãi sông khu vực xã Tam Đa và khu vực phường Vạn An để xử lý triệt để đối với các trường hợp phát sinh giai đoạn 2021 đến nay và đưa ra lộ trình, kế hoạch xử lý đối với các trường hợp còn lại. “Người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm mới phát sinh trên địa bàn nhưng không chỉ đạo tổ chức xử lý ngay”, Chủ tịch UBND nhấn mạnh.