Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025
(BNP) - Sáng 08/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo Trung ương) chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 5 với các địa phương về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Ninh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách năm 2023 đạt 61,5%; trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 15%.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tại tỉnh Bắc Ninh, 100% các xã, huyện trên địa bàn tỉnh duy trì, giữ vững chất lượng tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tích cực triển xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (tỉnh đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 09 xã, trong đó có 04 xã được chuyển thành phường). Đến nay, Bắc Ninh là một trong 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,75% (thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo cả nước); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,02%.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được trong thực hiện các Chương trình MTQG thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các văn bản liên quan để đề xuất, tham mưu sửa chữa, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG.
Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến kiến nghị của các Bộ, ngành, các địa phương để tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Các Bộ có văn bản trả lời cụ thể các vấn đề mà một số địa phương đã nêu tại Hội nghị. Các Bộ, ngành, các địa phương triển khai nhanh, quyết liệt các nội dung Chương trình MTQG để bảo đảm thực hiện tốt các nội dung chương trình.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đình Lợi (ngoài cùng bên phải) cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, người đứng đầu và mọi tầng lớp nhân dân về thực hiện các Chương trình MTQG.
Tập trung vận động, huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo. Lồng ghép thực hiện dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đào tạo nghề gắn với giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.