Triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

29/12/2020 12:03

(BNP) - Thời tiết rét đậm kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao như hiện nay làm cho sức đề kháng của đàn vật nuôi hạn chế, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch cúm gia cầm là rất cao. Ngành Nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi hiện đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm khống chế, không để lây lan ra diện rộng, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Thời gian này, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung ở thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du đang tập trung cao cho công tác phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia cầm để xuất bán trong dịp Tết tới. Chị Nhung cho biết: Gia đình vừa dồn vốn liếng để nuôi hơn 1.000 con gà, 200 con ngan thương phẩm. Theo khuyến cáo của cơ quan Thú y, gia đình đã quây kín chuồng trại chống rét và tiến hành rắc vôi bột, phun hóa chất trử trùng tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi mỗi tuần 2 lần. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh và bổ sung đầy đủ thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ ngày 13/5 - 16/12/2020, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tiếp tục xảy ra tại một số xã, phường thuộc địa bàn các huyện: Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh, làm hơn 1.600 con lợn mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 80 tấn. Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục trâu bò cũng đã xuất hiện tại 4 xã của 3 huyện: Thuận Thành, Quế Võ và Yên Phong; bệnh cúm gia cầm xuất hiện 1 ổ bệnh tại huyện Gia Bình… Trong khi hoạt động vận chuyển, giết mổ phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân dịp cuối năm tăng cao nên khả năng phát sinh, lây lan bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn. 

Hiện các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Trước nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh, nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa; triển khai công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, thu gom chất thải, chất độn chuồng hằng ngày; bố trí đầy đủ vật tư, thiết bị và nhân lực tổ chức tiêm phòng bổ sung, đảm bảo 100% đàn gia súc, gia cầm thuộc diện phải tiêm được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc đăng ký tái đàn, kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Thú y. Lưu ý đối với các khu vực đã xuất hiện dịch bệnh hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh cao, chỉ tái đàn khi đủ điều kiện về vệ sinh phòng dịch, không tái đàn ồ ạt, con giống phải rõ nguồn gốc và được tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, kịp thời khai báo với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương khi có hiện tượng gia súc, gia cầm bị ốm, chết, tuyệt đối không được bán chạy, vứt xác gia súc, gia cầm bị mắc bệnh ra môi trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để duy trì đàn vật nuôi ổn định, bảo vệ an toàn sức khỏe của nhân dân, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Tăng cường hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng dịch, tiêm đầy đủ vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định. Chủ động các phương án sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch khi xuất hiện các ổ bệnh, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường vụ Đông Xuân trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 20/12/2020 đến ngày 20/1/2021; thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho chính quyền và người dân ở cơ sở. Tiến hành tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu phố; tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi có nguy cơ cao và đường làng, ngõ xóm, khu phố. Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại chăn nuôi; quét dọn thu gom phân, rác để ủ hoặc đốt, chôn; khơi thông cống rãnh khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần.

H.T