Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

18/12/2024 14:06

(BNP) - Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 Trung ương chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.

Toàn cảnh điểm cầu Bắc Ninh.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Ngày 15/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia, trong đó quy định tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp được thực hiện theo chu kỳ 10 năm/lần vào các năm có số lẻ là 5. Ngày 7/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 484/QĐ-TTg về tổ chức tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 (TĐTNN 2025). TĐTNN 2025 là cuộc TĐTNN lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 1/7/2025.

Để chuẩn bị, tổ chức TĐTNN 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị và tham mưu chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện TĐTNN 2025; xây dựng hệ thống tổ chức triển khai thực hiện; xác định nội dung của TĐTNN 2025; thiết kế TĐTNN 2025 và phương pháp thu thập thông tin; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh; 511/610 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; 5.600/8.121 phường, xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã.

Căn cứ nhu cầu thông tin phục vụ tính toán 271 chỉ tiêu thống kê đầu ra và căn cứ kết quả điều tra thí điểm TĐTNN 2025, Tổng cục Thống kê đã rà soát, hoàn thiện dự thảo Phương án trình Ban chỉ đạo Trung ương ban hành theo Quyết định số 2235/QĐ-BCĐTW ngày 16/9/2024 của Trưởng ban, Ban chỉ đạo Trung ương.

Phương án TĐTNN 2025 gồm 10 mục theo quy định tại Điều 31 của Luật Thống kê, cụ thể: Mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra; đối tượng, đơn vị và phạm vi điều tra; loại điều tra; thời điểm, thời gian và phương pháp thu thập thông tin; nội dung, phiếu điều tra; phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;…

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương báo cáo tình hình chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra; nêu rõ những kết quả đã thực hiện, những khó khăn còn vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để Ban Chỉ đạo Trung ương cùng với các địa phương bàn bạc và tìm cách giải quyết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương hoàn thiện kế hoạch tổng điều tra, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; tuyển chọn các giám sát viên, điều tra viên thống kê; tổ chức hội nghị tập huấn thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ và trang trại; tập huấn nghiệp vụ phiếu điều tra và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và sự tham gia của các đơn vị cung cấp thông tin.

Đồng thời, bảo đảm hậu cần và hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông để chuẩn bị, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích và công bố thông tin; bảo đảm bảo mật dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để bảo đảm sự thành công của cuộc tổng điều tra.

Nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của tổng điều tra là triển khai tổng điều tra tại địa phương của Ban chỉ đạo các cấp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về các nội dung: Tổ chức thực hiện tổng điều tra tại địa phương; bảo đảm tiến độ, kết quả và chất lượng số liệu của tổng điều tra; chỉ đạo các đơn vị tại địa phương cung cấp một số thông tin theo yêu cầu của cuộc tổng điều tra.

M.T