Trưng bày tái hiện không gian “Chợ tranh Đông Hồ” tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành

22/11/2023 15:01

(BNP) - Nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2005 – 23/11/2023, sáng 22/11, tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trưng bày tái hiện không gian “Chợ tranh Đông Hồ”.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại "Chợ tranh Đồng Hồ".

Tham dự có lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; thị xã Thuận Thành; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Hiệp hội du lịch tỉnh; các đơn vị lữ hành.

Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh Đông Hồ thường được phát hành vào dịp Tết nguyên đán, còn gọi là tranh Tết.

Các đại biểu dự không gian “Chợ tranh Đông Hồ”.

Vào mỗi dịp giáp Tết, mỗi nhà đều mua tờ tranh Đông Hồ về treo, tô điểm, trang hoàng cho nhà cửa thêm sắc màu và không khí đón Tết. Như vậy, cùng với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì những bức tranh "gà lợn nét tươi trong, sáng bừng trên giấy điệp” là món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi gia đình mỗi khi Tết đến xuân về.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (áo đen) thực hiện một công đoạn trong sản xuất tranh Đông Hồ.

Chợ tranh Tết xưa thường diễn ra tại đình Đông Hồ, vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán, cả khu vực đình làng rực rỡ sắc màu, tranh trải trên chiếu, tranh vắt trên tường, tranh treo trên dây... Dân gian vẫn truyền nhau câu ca “Làm quan có bốn lọng vàng, không bằng ngày Tết về làng bán tranh”.

Người dân, du khách tham quan tái hiện không gian “Chợ tranh Đông Hồ”.

Tan buổi chợ phiên, hàng vạn tờ tranh chất chồng đủ loại gà đàn, lợn đàn, cá chép, đám cưới chuột, tứ quý, tố nữ, cả hứng dừa, đánh ghen... đều được đóng thành những “muôn” tranh để đưa lên thuyền. Cứ thế, những tờ tranh điệp mang theo nét đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc rong ruổi cùng những con thuyền từ Bắc vào Nam...  Dần dà, treo tranh Đông Hồ đã trở thành cái thú chơi xuân của người Việt.

Đông đảo học sinh tham quan trưng bày tranh dân gian Đông Hồ.

Khu trưng bày với tổng số 20 gian hàng tái hiện không gian chợ tranh cổ, quảng bá nghề bán hàng mã, nghề làm tranh Đông Hồ; giới thiệu nguyên liệu, dụng cụ sản xuất tranh dân gian Đông Hồ; tái hiện không gian sử dụng tranh Đông Hồ với gian thờ xưa, phòng khách và phòng làm việc…

Bên cạnh đó, bố trí gian hàng giới thiệu, quảng bá về du lịch Bắc Ninh; trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nghệ thủ công; giới thiệu ẩm thực tiêu biểu Bắc Ninh…

Gian hàng giới thiệu ẩm thực tiêu biểu Bắc Ninh.

Về với chợ tranh người dân, du khách được hòa mình vào không gian của vùng quê Kinh Bắc với những sản phẩm truyền thống của quê hương. Đồng thời, được thưởng thức các làn điệu Dân ca Quan họ và múa Rối nước…

Sau khi cắt băng khai mạc trưng bày tái hiện không gian “Chợ tranh Đông Hồ”, các đại biểu đã đi tham quan các gian hàng, trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ và tham quan Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.

Biểu diễn múa Rối nước tại chương trình.

Chương trình diễn ra trong 3 ngày (22 - 24/11/2023) nhằm tái hiện không gian tranh truyền thống, đồng thời định hình xây dựng một sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Ninh.

H.H