Tuổi trẻ Lữ đoàn 146 thực hiện hiệu quả Chương trình “Xanh hoá Trường Sa”
Chương trình “Xanh hoá Trường Sa” là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng, cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống cho quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên đảo Đá Tây ra quân thực hiện "Ngày thứ 7 tình nguyện".
Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, thổ nhưỡng chủ yếu là cát san hô và đất (được mang từ đất liền ra) khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác trong những ngày sóng to, gió lớn làm nước mặn tràn qua đảo cũng làm cho cây chậm phát triển.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của Chương trình “Xanh hoá Trường Sa”, cấp uỷ, chỉ huy, tổ chức đoàn các cấp ở Lữ đoàn 146, Vùng 4 đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về thực hiện chương trình. Trong thời gian qua, cấp uỷ, chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị, mà nòng cốt là tổ chức đoàn đã tận dụng tối đa các điều kiện tại chỗ, luôn tích cực, chủ động phát huy nội lực, tổ chức ươm, chiết, tạo nguồn giống cây xanh để trồng trên các đảo.
Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, cùng với sự quan tâm của đất liền tuổi trẻ Lữ đoàn đã phát huy tốt mô hình “Vì Trường Sa xanh” nhằm giữ được màu xanh trên mỗi đảo. Các hoạt động của tuổi trẻ đã góp phần xây dựng các đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân; tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để có màu xanh bền vững cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, các đảo có thế mạnh đã xây dựng vườn ươm với diện tích trung bình khoảng 200m2, ươm các loại giống cây như: Dừa, cây bàng quả vuông, mù u, tra và bó bầu, chiết cành, tạo cây giống để trồng trên đảo và chuyển giao cho các đảo khác có ít cây giống hơn. Mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại đảo vào đất liền đều trồng tặng đơn vị từ 1-2 cây xanh. Đoàn cơ sở Lữ đoàn khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ khi ra đảo công tác mang theo hạt giống hoa, cây xanh loại nhỏ, phù hợp với thổ nhưỡng trên đảo để trồng và chăm sóc.
Tuổi trẻ đảo Song Tử Tây chăm sóc giống cây xanh trong vườn ươm.
Việc trồng và chăm sóc cây xanh được cán bộ, chiến sĩ vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo. Các đảo đã tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp với khuôn viên cảnh quan đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất còn mềm, ẩm, tổ chức cho đoàn viên thanh niên đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn làm tơi xốp đất bằng các loại lá cây, cỏ rác, khi cây giống ra rễ, thời tiết phù hợp sẽ đưa ra trồng và chăm sóc để cây phát triển được thuận lợi. Khi cây mới trồng bộ đội chủ động che chắn gió, sóng không để hơi muối mặn xâm nhập vào. Nguồn nước tưới cây được cán bộ, chiến sĩ tận dụng tích trữ từ nguồn nước mưa, nước ngọt đã qua sử dụng.
Trung tá Vũ Đình Diện, Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa cho biết: Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có nhiều khu vực trên đảo đơn vị phải trồng đi trồng lại mấy lần mới thành công. Tuy nhiên cán bộ, đoàn viên thanh niên chúng tôi không bao giờ nản lòng, thay vào đó chúng tôi càng quyết tâm hơn, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết để trồng, chăm sóc cây xanh trên đảo, tạo màu xanh, bóng mát và cảnh quan đơn vị ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Việc tạo giống, trồng và chăm sóc cây xanh được lãnh đạo, chỉ huy các đảo tin tưởng giao cho tuổi trẻ đảm nhiệm bằng nhiều cách làm sáng tạo như: Đánh số thứ tự cây xanh để tiện cho công tác quản lý, chăm sóc và bàn giao; giao nhiệm vụ cụ thể đến từng chi đoàn, phân đoàn và cá nhân đoàn viên quản lý từng khu vực cây cụ thể; định kỳ tổ chức tập huấn phương pháp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xanh. Kết quả trồng cây được xem là một tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng.
Binh nhất Nguyễn Xuân Giáp, Chiến sĩ đảo Song Tử Tây tâm sự: Ngoài thời gian học tập, huấn luyện trên thao trường, hằng ngày vào cuối buổi chiều mỗi đoàn viên thanh niên chúng tôi đều dành thời gian chăm sóc khu vực cây xanh do mình đảm nhiệm. Nhìn hàng cây ngày càng phát triển xanh tốt, mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui mừng vì đã góp một phần nhỏ bé giữ gìn màu xanh cho đảo, chúng tôi coi đảo là “ngôi nhà thứ hai” của mình, an tâm gắn bó.
Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hoà khí hậu, ngọt hoá đất đai, tạo bóng mát sau thời gian cán bộ, chiến sĩ huấn luyện vất vả mà còn có vai trò quan trọng che chắn gió bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ của quân dân trên đảo. Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, cán bộ, đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 146 đã và đang nối tiếp những phần việc ý nghĩa, vinh dự và tự hào của các thế hệ cha anh đi trước, gieo mầm xanh cho biển, đảo quê hương.