Tưởng niệm 2290 năm ngày sinh danh tướng Cao Lỗ
Trong hai ngày 18 và 19 - 4 (tức 9,10-3 âm lịch), UBND huyện Gia Bình long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 2290 năm ngày sinh tướng quân Cao Lỗ và lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa đền thờ và lăng mộ Cao Lỗ Vương tại hai xã Cao Đức và Vạn Ninh.
Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức, Gia Bình)
Đây là lần đầu tiên lễ hội được nâng tầm tổ chức quy mô cấp huyện. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về dâng hương tại Đền thờ Cao Lỗ Vương ở xã Cao Đức (Gia Bình).
Đến dự lễ khai hội có các đồng chí: Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, các huyện; đại diện dòng tộc họ Cao ở Việt Nam cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Nghi thức rước kiệu của nhân dân địa phương
Danh tướng Cao Lỗ Vương quê ở xã Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh ngày nay. Ông là một tướng tài, giúp Thục phán An Dương Vương chống giặc ngoại xâm; là người sáng chế ra Nỏ Liên Châu – một loại vũ khí tinh xảo, là nỗi khiếp nhược đối với quân tướng Triệu Đà thời đó. Ông cũng là người góp công thiết kế và chỉ huy xây dựng thành Cổ Loa – một tòa thành được đánh giá là cổ nhất, có quy mô lớn và cấu trúc độc đáo, kỳ vĩ nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ.
Màn trống khai hội
Hiện nay, ở huyện Gia Bình - quê hương của tướng quân Cao Lỗ vẫn có lăng mộ ông thuộc làng Tiểu Than (xã Vạn Ninh) và đền thờ thuộc làng Đại Trung, xã Cao Đức. Hàng năm, để tưởng nhớ công lao của Tướng quân Cao Lỗ, nhân dân địa phương thuộc 8 làng vùng Đại Than lại tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức tế lễ như: Lễ mộc dục, viếng yết lăng mộ, dâng hương, rước kiệu… Ngoài các nghi lễ truyền thống, phần hội có nhiều tục trò như “múa mo múa mộc” diễn lại sự tích Cao Lỗ Vương khi đánh giặc và cả tục “võ vật” nay được nâng tầm thành giải thi đấu vật tự do, vật dân tộc tỉnh Bắc Ninh năm 2013. Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đậm bản sắc quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc như: đập niêu, kéo co, cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, múa rối nước, hát Quan họ… Đây là dịp để nhân dân và du khách thập phương về bái yết, tưởng nhớ và tri ân công lao của danh tướng Cao Lỗ, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Quy hoạch chi tiết khu di tích Đền thờ và Lăng mộ tướng quân Cao Lỗ Vương
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Quy hoạch chi tiết khu di tích Đền thờ và Lăng mộ tướng quân Cao Lỗ Vương với tổng diện tích 27,2 ha, bao gồm 11 khu vực: Khu vực bảo vệ 1- Đền thờ và Lăng mộ Cao Lỗ Vương, Quảng trường lễ hội, Khu dịch vụ, Khu trưng bày lịch sử, Đất vui chơi giải trí, Đất nghỉ dưỡng, Bãi đỗ xe, Khu hạ tầng kỹ thuật, Khu cây xanh cảnh quan, Đất giao thông và Đất dự trữ phát triển.
Nguồn:
BBN